Khởi nghiệp (StartUp/Entrepreneurship) là một hình thức của sự sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh, với ý tưởng và cách tiếp cận khác biệt so với những gì đã tồn tại trước đó trên thị trường. Kết hợp đam mê, lý tưởng cùng những cải cách đột phá, StartUp có thể tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và đạt được thành tựu vượt trội, đóng góp cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, cải tiến cuộc sống của con người. Ngày nay, khởi nghiệp là xu hướng toàn cầu và được coi là một trong những động lực chính của sự phát triển kinh tế thế giới.
Việc tiếp cận tinh thần khởi nghiệp, học hỏi tư duy, cách thức đối mặt, quản trị rủi ro, thách thức, cũng như mô hình StartUp toàn cầu hiện nay vô cùng cần thiết. Đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Được đào tạo và trải nghiệm Entrepreneurship từ khi ngồi trên giảng đường là cơ hội đầy tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong “cuộc chiến StartUp” toàn cầu hiện nay.
Trải nghiệm khởi nghiệp và mục tiêu cốt lõi
StartUp không được bắt đầu với mục tiêu “làm giàu”. Khởi nghiệp cũng không phải “bỏ học đi làm”. Thông thường, các bạn trẻ khởi nghiệp là bởi muốn làm nên một cái gì đó mới mẻ, phát triển trong tương lai, vì tuổi trẻ thì đầy đam mê, nhiệt huyết và… hiếu thắng; vì tuổi trẻ là giai đoạn hợp lý nhất để khởi nghiệp với nhiều cơ hội để “thử”; vì tuổi trẻ không dám bước ra vùng an toàn thì về sau thường hối hận…
Tuổi trẻ cần trải nghiệm khởi nghiệp để biết StartUp nói riêng và việc kinh doanh nói chung không dễ dàng, từ việc bắt đầu, vận hành, quản lý cho đến đạt được thành quả. Do đó, cần học hỏi, tìm hiểu chuyên sâu. Khi có mục tiêu khởi nghiệp sẽ giúp các bạn trẻ học tập thực tế hơn, sẽ có mục tiêu trong nghiên cứu và chọn lọc kiến thức để đáp ứng được những mục tiêu, mong muốn tìm hiểu của mình. Việc học hỏi chuyên sâu còn giúp phát triển tầm nhìn, định hướng kế hoạch và đưa ra quyết định hiệu quả khi kinh doanh, và mang đến cơ hội tiếp cận các xu hướng mới, các công nghệ tiên tiến, giúp phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ đột phá và cạnh tranh trong thị trường. Khởi nghiệp là một hành trình không ngừng hoàn thiện bản thân bằng con đường học hỏi chuyên sâu.
Mặt khác, dấn bước vào con đường khởi nghiệp, các bạn trẻ sẽ hiểu được những khó khăn, thách thức, nguyên lý cốt lõi của kinh doanh. Đây là một hành trang quý báu để biết cách làm việc, đóng góp với tâm thế chủ động, cống hiến và phát triển bản thân một cách hiệu quả – cho sự phát triển của bất kỳ một sự nghiệp nào của cá nhân, của xã hội về sau.
Đó cũng là những tiền đề để tạo nên đột phá khi StartUp.
Đặc biệt, khởi nghiệp có nghĩa là “dám nghĩ dám làm”. Khi khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ dám làm mang đến sự tự tin trong việc thực hiện các ý tưởng mới mẻ, đưa ra các quyết định quan trọng và đối mặt với rủi ro, thử thách. Đồng thời, thúc đẩy tìm cách phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, tìm kiếm khách hàng, xây dựng thương hiệu để phục vụ mục tiêu khởi sự doanh nghiệp.
Tinh thần dám nghĩ dám làm, không chờ đợi sự ban phát, không ăn bám được rèn luyện thông qua khởi nghiệp là một tiền đề quan trọng để đạt được thành công trong công việc, trong cuộc sống.
Xây dựng tinh thần, văn hóa và trải nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên tại Đại học FPT
Định hướng sinh viên Đại học FPT làm chủ doanh nghiệp sau ra trường, tạo ra đa dạng cơ hội việc làm cho người lao động, Đại học FPT đào tạo với mục tiêu lan tỏa hiệu quả tinh thần, văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên – trao kiến thức, trao trải nghiệm Entrepreneurship. Theo ước tính đến nay, có khoảng 20% sinh viên khởi nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế hiệu quả, đem lại lợi ích cho xã hội.
Theo thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT – Trường Đại học FPT, khởi nghiệp có vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu. Sinh viên (các bạn trẻ) phải được đào tạo để hiểu biết về bức tranh tổng thể toàn cầu hóa hiện thời – mô hình khởi nghiệp trên toàn cầu hiện nay.
“Mục tiêu của tổ chức giáo dục FPT hướng tới là tạo ra những con người có khả năng kiến tạo – khả năng tạo ra các giá trị thực sự. Một trong những biểu hiện cao nhất của năng lực kiến tạo đó chính là khởi nghiệp; tức là có thể áp dụng được các kiến thức đã được học trong trường với sự sáng tạo, đổi mới và ý chí, nghị lực của mình để có thể tạo ra những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội, của thị trường, từ đó đem lại sự thịnh vượng cho bản thân và người xung quanh”, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Đào tạo trường Đại học FPT TP. HCM cho biết.
Kiến thức khởi nghiệp tại Đại học FPT được đào tạo thông qua môn học Trải nghiệm khởi nghiệp, chương trình On The Job Training, các buổi gặp gỡ doanh nghiệp và đa dạng các hoạt động trải nghiệm khởi nghiệp.
Xây dựng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp với kỳ học OJT và môn học Khởi sự doanh nghiệp
Kỳ học On-the-Job Training (OJT)
Tại Đại học FPT, những kỹ thuật và chương trình thực hành khởi nghiệp được đưa vào đào tạo thông qua kỳ học On-the-Job Training (OJT) – “học trong doanh nghiệp”.
Ở học kỳ OJT (học kỳ 6), sinh viên được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp từ 4 – 8 tháng và được hướng dẫn, cố vấn bởi các chuyên gia tại các doanh nghiệp hàng đầu là thành viên hoặc đối tác của Tập đoàn FPT. Trải nghiệm kỳ OJT, sinh viên được học hỏi chuyên sâu về chuyên môn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực và ứng dụng những kiến thức đã học vào công việc, tham gia vào các dự án thực tế, làm việc với các công nghệ mới nhất. Và trau dồi những kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Đồng thời, có cơ hội học hỏi, tiếp cận cách vận hành, quản trị doanh nghiệp từ khi là sinh viên năm 3.
Ứng dụng những kiến thức và kỹ thuật tích lũy được từ kỳ học OJT, trong kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp ở năm 4, sinh viên có thể triển khai những đồ án sáng tạo, có thể ứng dụng thực tế, trở thành dự án khởi nghiệp trên thị trường. Kết quả thực hành đồ án khởi nghiệp trong kỳ bảo vệ đồ án là một dự án StartUp, có thể được đầu tư thành StartUp nếu người học đồng ý. Việc thực hiện đồ án tốt nghiệp định hướng trở thành dự án/mô hình Startup tại Đại học FPT tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận mô hình kinh doanh doanh nghiệp từ sớm, có cơ hội tích lũy kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản trị công việc kinh doanh, tự tin và tâm huyết chọn con đường khởi sự doanh nghiệp trong tương lai.
Môn học Khởi sự doanh nghiệp
Nhằm trang bị tinh thần/văn hóa, kiến thức StartUp nền tảng, cũng như hiểu biết về mô hình khởi nghiệp trên toàn cầu hiện nay, từ năm 2022, Bộ môn Trải nghiệm Khởi nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo dành cho tất cả sinh viên Đại học FPT.
“Trải nghiệm khởi nghiệp” là môn học mới do Trường Đại học FPT phát triển lần đầu tiên ở chương trình đào tạo Đại học chính quy và là môn học bắt buộc cho tất cả sinh viên. Môn học “Trải nghiệm khởi nghiệp” ra đời bám sát sứ mệnh, triết lý giáo dục và mục tiêu của Nhà trường, với mong muốn sẽ tạo ra một thế hệ sẵn sàng dấn thân đương đầu với thử thách để hiện thực hóa giấc mơ của mình, đưa sáng tạo và trí tuệ Việt Nam vươn tầm thế giới.
Thông qua bộ môn này, sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng thực chiến sáng tạo – khởi nghiệp. Với tư duy nhạy bén để phát hiện và tận dụng cơ hội trong xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, sinh viên có thể phát triển những ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn trên giảng đường.
Trường Đại học FPT mong muốn sinh viên sẽ được truyền lửa lập nghiệp thông qua môn học mới này với phương pháp tự học và trải nghiệm thực chiến với việc khởi nghiệp. Theo ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Đào tạo trường Đại học FPT TP HCM, môn học này vận hành theo phương pháp tự học, đề cao tinh trải nghiệm, thực hành. Nhà trường kỳ vọng, thông qua môn “Trải nghiệm khởi nghiệp”, sinh viên sẽ được chuẩn bị nền tảng kiến thức cần thiết về sáng tạo và khởi nghiệp, để từ đó có được tư duy cởi mở và nhạy bén hơn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, điều sẽ giúp ích cho sinh viên trong sự nghiệp sau này, dù có lựa chọn con đường tự khởi nghiệp hay không.
Phương pháp dạy – học môn “Trải nghiệm khởi nghiệp” giúp sinh viên tự lĩnh hội kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế, theo triết lý đào tạo “tổ chức và quản trị việc tự học của người học” của Trường Đại học FPT. Những bài học căn bản sẽ được cung cấp từ những tổ chức khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu thế giới đang triển khai giảng dạy ở những trường đại học mà cũng nổi tiếng thế giới về khởi nghiệp ví dụ như Tổ chức đầu tư khởi nghiệp Y Combinator, hoặc đại học Stanford – nơi bắt nguồn của công ty như Google, HP,… Sinh viên sẽ tự học bằng cách xem giáo trình, tài liệu và video về kiến thức khởi nghiệp từ các tổ chức này, và sẽ áp dụng thực tế bằng cách triển khai dự án khởi nghiệp riêng dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các chuyên gia.
Với môn học này, sinh viên sẽ được hướng dẫn bởi mentor khởi nghiệp thành công (những founder của các startup thành công ở Việt Nam, trong đó có một số mentor là cựu sinh viên của ĐH FPT và đã đạt những thành công đáng kể trong việc khởi nghiệp) để học hỏi, phát triển ý tưởng, thực hiện dự án khởi nghiệp của riêng mình trong quá trình học. Mentor có vai trò truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn – những bài học “đáng giá trong quá trình sinh viên thực hiện dự án. Sinh viên sẽ được mentor tư vấn, hỗ trợ trong việc triển khai dự án khởi nghiệp của mình theo lĩnh vực chuyên sâu của mentor. Đây cũng là cơ hội để sinh viên được kết nối và mở rộng mối quan hệ với những nhà khởi nghiệp để học hỏi và phát triển bản thân.
Giảng viên của Trường chủ yếu thuộc ngành Business sẽ đóng vai trò của Coach, những người dẫn dắt sinh viên, đồng hành cùng các bạn để hỗ trợ các bạn hiểu hơn các nội dung trong các bài học các bạn đang tự học, đồng thời giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ những kiến thức nền tảng cho khởi nghiệp.
Ngoài giờ học, mỗi tuần sinh viên sẽ có một buổi gặp trực tiếp với coach để cùng thảo luận rồi trình bày các kết quả các bạn đã làm được và nhận sự hướng dẫn, tư vấn chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được tham dự một số hội thảo và workshop định kỳ do các chuyên gia về khởi nghiệp, kinh tế bên ngoài được Trường mời chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu. Kết thúc môn học, sinh viên phải có được mẫu hay mô hình của sản phẩm của mình, kế hoạch mô hình kinh doanh, sản phẩm mẫu và thuyết trình về sản phẩm của mình để thuyết phục hội đồng, bao gồm những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp. Xa hơn, ở môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp, sinh viên còn có nhiệm vụ phải tung sản phẩm ra thị trưởng và thuyết phục được khách hàng trả tiền cho sản phẩm khởi nghiệp của mình để được hoàn thành môn học. Với nội dung học thực tiễn, đây sẽ là môn học thú vị, bổ ích cho sinh viên có ý định khởi nghiệp nói riêng, giúp sinh viên trang bị hành trang kiến thức cho quá trình làm việc tại doanh nghiệp hay có dự định khởi nghiệp.
“Môi trường ở trường đại học là môi trường khởi nghiệp dễ dàng nhất. Các bạn sẽ thất bại, vì hầu như chỉ 10-12% thành công, nhưng thất bại ở môi trường đại học, các bạn hầu như không mất gì. Nhưng những gì các bạn được học và trải nghiệm trong môn học khởi nghiệp và kỳ OJT có thể chuyển đổi thành đồ án tốt nghiệp. Và cao hơn nữa, nếu ý tưởng StartUp chất lượng, có thể trở thành dịch vụ được đầu tư bởi Đại học FPT, Tập đoàn FPT hoặc các đối tác doanh nghiệp của Đại học FPT trong, ngoài nước” (Thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT – Trường Đại học FPT).
Học hỏi kinh nghiệm và được truyền lửa từ Founders thành công vượt bậc
Đại học FPT cũng được xem là điểm đến chia sẻ quen thuộc của những chuyên gia, những hiện tượng, những tấm gương StartUp thành công vượt bậc.
Sinh viên Đại học FPT có cơ hội học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm và được trực tiếp hướng dẫn các dự án khởi nghiệp từ những chuyên gia, Founder, C-level nổi bật của làng startup trong, ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để sinh viên Đại học FPT được tiếp lửa và mở rộng network khi kết nối với doanh nghiệp, mentors khởi nghiệp thành công. Sự dẫn dắt từ các mentors thành công mang đến cho sinh viên hiểu biết thực tế liên quan đến môn học Khởi sự doanh nghiệp cũng như cái nhìn bao quát về Entrepreneurship.
Xây dựng trải nghiệm thực tế về khởi nghiệp thông qua đa dạng hoạt động
Song song với việc cung cấp kiến thức nền tảng, văn hóa khởi nghiệp được phát động mạnh mẽ, tinh thần khởi nghiệp được xây dựng và lan tỏa rộng rãi đến sinh viên Đại học FPT thông qua các hoạt động PDP – Personal Development Program. Hoạt động phát triển cá nhân liên quan đến khởi nghiệp – có thể do nhà trường phát động, có thể do sinh viên trực tiếp là người đề xướng, tổ chức và vận hành thông qua các Câu lạc bộ. Đây là cơ hội để sinh viên được nhúng mình vào những trải nghiệm xã hội, kỹ thuật-công nghệ đa dạng và chưa được chương trình hoá.
Đại học FPT tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp hấp dẫn cho sinh viên, bao gồm các cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo, khóa học và chương trình đào tạo khởi nghiệp. Ngoài ra, trường còn trang bị không gian khởi nghiệp sáng tạo và các tiện ích để sinh viên có thể phát triển ý tưởng và khởi sự kinh doanh.
Phương pháp đào tạo tự lĩnh hội kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các chương trình: cuộc thi FPT Entrepreneurial Hackathon, cuộc thi Hult Prize, cuộc thi FPT Edu Biz Talent, Activity Weekend, Innovation Space… giúp trau dồi khả năng kiến tạo, rèn luyện tư duy Entrepreneurship cho sinh viên.
Rèn luyện tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên trong suốt thời gian học, môi trường giáo dục đề cao sự trải nghiệm và tính tự chủ, Đại học FPT kỳ vọng tiếp tục sản sinh thêm nhiều lứa trí thức trẻ có chuyên môn cao, sở hữu tư duy đột phá và có đủ năng lực lãnh đạo nền kinh tế đất nước.
Đại học FPT còn là môi trường lý tưởng với các hoạt động ngoại khóa (07 ngày trải nghiệm, 48h chuyển động, Tour xuyên Việt, City Tour…) để rèn luyện những tư chất cần có cho hành trang khởi nghiệp của sinh viên trong tương lai.
Chương trình trải nghiệm Leadership tôn vinh những đóng góp của các thủ lĩnh trẻ, tài năng tại Đại học FPT; giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, phát triển tư duy đa chiều, tạo dựng nền tảng trở thành người lãnh đạo có tầm nhìn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuyển động liên tục suốt 48 giờ, vượt qua chướng ngại vật, tham gia các trò chơi đầy thử thách, sinh viên Đại học FPT có cơ hội thử thách và trau dồi kỹ năng mềm và khả năng cộng tác, phát triển “sống còn” cùng tập thể.
“7 ngày trải nghiệm” là hoạt động định kỳ hàng năm do Đại học FPT tổ chức. Mỗi chuyến trải nghiệm là một hành trình rèn luyện những kỹ năng thiết yếu để “sinh tồn” cũng như những tính cách và kỹ năng cần thiết để đến bến thành công. Khám phá môi trường sống, văn hóa vùng miền khác biệt; thử thách kỹ năng mềm và cơ hội cống hiến, phục vụ cộng đồng cũng là cơ hội mở mang hiểu biết, tầm nhìn thú vị dành cho sinh viên Đại học FPT
Câu lạc bộ Entrepreneurship Club quy tụ các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp, muốn học hỏi kinh nghiệm và mong được nhà trường hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Câu lạc bộ là môi trường kết nối sinh viên Đại học FPT thành một cộng đồng chia sẻ và đồng hành khi có cùng đam mê kinh doanh. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên và sự gắn kết của các thành viên Câu lạc bộ tạo cơ hội cho sinh viên cùng nhau học tập, cùng nhau sáng tạo ý tưởng và nuôi dưỡng đam mê. Trong đội ngũ đó, mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng, một khả năng riêng và bổ sung lẫn nhau để đi đến thành công cho lý tưởng startup – giải quyết việc làm cho cộng đồng, đóng góp các vấn đề chung của xã hội.
Tại Lễ ra mắt Innovation Space – không gian khởi nghiệp sáng tạo tại ĐH FPT, nhóm sinh viên có đề tài khởi nghiệp sáng tạo được phê duyệt tại ĐH FPT trình bày về đề tài. Theo đó, BeauDee – sản phẩm mà nhóm xây dựng phục vụ nhu cầu “được chăm sóc tận nơi” của người dùng đã được Hội đồng thẩm định “thông qua”, dự kiến cấp kinh phí để nhóm triển khai dự án vào thực tế.
Thế giới luôn chờ đón để ngưỡng mộ và được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện StartUp mới mẻ, đột phá, cũng như bởi khao khát chứng minh bản thân, ý chí kiên cường, tư duy nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm của các doanh nhân trẻ. Startup chính là nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế và đời sống phát triển; những nhân tố dũng cảm biến ý tưởng thành hiện thực, phá vỡ các giới hạn tư duy lề lối thông thường.
Đại học FPT là cái nôi của nhiều tấm gương StartUp thành công vượt trội tại Việt Nam như “tỷ phú công nghệ” Nguyễn Thành Trung – nhà sáng lập tựa game Axity Infinity, Nguyễn Thế Vinh – Co-Founder – Coin98 Finance, Trần Trung Hiếu – nhà sáng lập kiêm CEO của TopCV… Cựu sinh viên Đại học FPT StartUp thành công là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thắp lên ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết cho các bạn sinh viên Đại học FPT – thế hệ khởi nghiệp kế cận.
Theo Đại học FPT Đà Nẵng.