GD&TĐ – Ngày 10/12, Trường Đại học FPT tổ chức Hội thảo về AI & ChatGPT trong Giáo dục THPT thu hút gần 100 trường khu vực ĐBSCL tham dự.
Hội thảo “AI&ChatGPT với Giáo dục THPT trong kỷ nguyên số” với sự tham dự của lãnh đạo các Sở GD&ĐT cùng 600 cán bộ, giáo viên các trường THPT khu vực ĐBSCL.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các thầy cô và Ban giám hiệu các trường THPT thảo luận và chia sẻ quan điểm về tác động và ứng dụng của AI và ChatGPT trong công tác dạy và học ở bậc THPT.
Các diễn giả chia sẻ trong Hội thảo gồm: ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT; ông Wilson Lieu – CEO Next Academy, Chủ Tịch – Liên Minh phát triển nguồn Nhân lực số Việt Nam; ông Trần Thanh Danh – Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông – Marketing Trường ĐH FPT Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Thanh Danh – Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông – Marketing Trường ĐH FPT Cần Thơ chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục đang là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Khi được hiểu và ứng dụng đúng cách, ChatGPT thực sự là một công nghệ đắc lực giúp đỡ hữu ích cho cả người dạy và người học. Vì vậy, Trường ĐH FPT Cần Thơ tổ chức Hội thảo AI & ChatGPT với giáo dục THPT trong kỷ nguyên số với mong muốn đồng hành cùng các thầy cô và Ban giám hiệu các trường THPT thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục”.
Hội thảo gồm 3 phần trình bày chính đến từ 3 diễn giả: Chia sẻ về xu hướng của AI & ChatGPT cũng như các tác động đến giáo dục trong kỷ nguyên số của ông Hoàng Nam Tiến; cập nhật các thông tin mới nhất về tuyển sinh đào tạo của ĐH FPT từ ông Trần Thanh Danh; giới thiệu một số công cụ ứng dụng AI & ChatGPT trong hoạt động quản lý đào tạo và giảng dạy ở cấp THPT của ông Wilson Lieu.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều thông tin hữu ích về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia đều nhất trí rằng AI & ChatGPT ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Với kho dữ liệu khổng lồ, AI & ChatGPT sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên và học sinh trong công tác dạy và học nếu chúng ta hiểu rõ và vận dụng hiệu quả các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như công cụ phục vụ nhu cầu của con người.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, việc đưa AI vào chương trình giảng dạy ở bậc THPT là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ chuyển đổi số thì việc giáo dục thế hệ trẻ tiếp cận với AI để ứng dụng trong cuộc sống là vô cùng quan trọng… Mỗi người giáo viên thay vì là một The Teacher thì hãy trở thành một The Connector – người dạy học sinh cách tư duy trong nền giáo dục thế hệ mới.
Phần chia sẻ của ông Wilson Lieu về ứng dụng của ChatGPT vào giáo dục THPT đã thu hút sự quan tâm của các thầy cô tham dự với các nội dung lý thuyết và thực hành ngay tại hội thảo như: Showcase ChatGPT viết kịch bản chương trình, đóng vai chuyên gia PROMPT DALL-E3…
Với những thông tin về AI & ChatGPT, phần thảo luận đã thu hút thầy cô tham dự đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm rất sôi nổi dành cho các diễn giả. Nội dung các câu hỏi xoay quanh tâm thế, thái độ và cách ứng xử của mỗi người khi sử dụng công cụ này, cách thức phát hiện khi sinh viên sử dụng ChatGPT để gian lận trong quá trình làm bài kiểm tra, cũng những lo ngại về môi trường và tính bền vững khi sử dụng các công cụ AI…/