Trang chủ
/Gương mặt nổi bật/Cựu sinh viên/Cựu sinh viên/

Cựu sinh viên Nguyễn Quốc Huy: Thành công không phải một cú ăn may

Cựu sinh viên Nguyễn Quốc Huy: Thành công không phải một cú ăn may

Cựu sinh viên

Nguyễn Quốc Huy là cựu sinh viên Khoá 6 – Ngành Kỹ thuật phần mềm, trường Đại học FPT TP. HCM. Từ dự án khởi nghiệp đầu tiên lúc còn là sinh viên, đến nay anh đã trải qua gần 10 năm “chinh chiến” trong ngành và tạo dấu ấn với hàng loạt mô hình khởi nghiệp thành công. 

Đại học FPT – bệ phóng khởi nghiệp đầu tiên

Ít ai biết, ngay từ khi học lớp 10, anh Quốc Huy đã có định hướng vào trường Đại học FPT. Xuất phát từ niềm đam mê yêu thích, dành hàng giờ tìm hiểu những kiến thức về công nghệ, nhờ vậy, anh sớm tiếp cận với thông tin về ngành học và xác định được đâu là con đường mà bản thân thật sự mong muốn.



Tìm hiểu về Đại học FPT, anh càng thấy hấp dẫn với ngành Kỹ thuật phần mềm. Những câu chuyện từ các anh chị khoá trước như có cơ hội làm việc tại nước ngoài làm sau khi tốt nghiệp, trường có nhiều nhân tài “đáng gờm” càng thôi thúc anh chọn Đại học FPT hơn bao giờ hết. Anh Quốc Huy bước vào ĐH FPT với niềm tin khấp khởi rằng bản thân sẽ được tiếp thu nền tảng kiến thức tốt và cơ hội trải nghiệm hết mình. Kết quả, giảng đường FPT đã mở ra những góc mới trong bản thân, khiến anh thay đổi con người nhiều hơn tưởng tượng. 

Làm sếp ở tuổi 20 – Anh đã hiện thực hoá điều không tưởng này ngay khi còn ngồi trên giảng đường FPT. Ngày đó, trong lúc bạn bè vẫn đang băn khoăn với một rừng lựa chọn thì anh đã cùng nhóm bạn cộng sự manh nha bước vào địa hạt khởi nghiệp. Với sự tiếp lửa, dẫn dắt nhiệt thành của thầy Lâm Hữu Khánh Phương (giảng viên Đại học FPT TP. HCM), Huy đã thành lập công ty WiSKY – giải pháp Marketing qua mạng Wifi. Ngay trong thời gian đầu thương mại hóa, giải pháp Wifi Marketing mà nhóm anh đưa ra đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao doanh số bán hàng của doanh nghiệp.

Sau khi đột nhập thành công, “phá băng” vào ngành từ dự án đầu tay, Quốc Huy tiếp tục cho ra mắt sản phẩm khởi nghiệp thứ 2 mang tên Reso Việt Nam – phần mềm quản trị hàng hóa, quản trị nhân lực và quản trị công nghệ hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp. Tiếp đó là Vườn ươm khởi nghiệp Uni – không gian giao lưu bạn trẻ khởi nghiệp; mô hình về cà phê và gần đây nhất là Kem Gelato được làm theo công nghệ Ý kết hợp với nông sản Việt Nam.

Trải qua gần 10 năm “chinh chiến” tại sân chơi khởi nghiệp, ngoài “đút túi” lợi nhuận thì có rất nhiều thứ mà theo anh Huy, không thể đong đếm bằng tiền bạc chính là đồng đội, những bài học lớn về bức tranh khởi nghiệp và việc làm giàu vốn trải nghiệm của bản thân qua mỗi ngày, mỗi dự án. 

Bài học tự học và thích ứng nhanh

Một trong những yếu tố giúp anh Quốc Huy thăng tiến vượt bậc trong lĩnh vực của mình, theo anh là kỹ năng tự học và thích ứng nhanh. “Nhờ tháng ngày trước học ở trường Đại học FPT, mình được trau dồi kỹ năng tự học và thích ứng nhanh với mọi môi trường. Vì vậy, khi bắt đầu công việc mới hay lĩnh vực mới, mình bắt nhịp nhanh chóng và vận hành suôn sẻ mọi việc”, anh Huy chia sẻ. 

Có lẽ, đây chính là chìa khoá để Quốc Huy có thể dễ dàng kiêm nhiều vị trí trong doanh nghiệp suốt nhiều năm như: Trưởng phòng Công nghệ thông tin 4 năm, Trưởng phòng vận hành hơn 1 năm, quản lý hơn 1000 nhân viên và hiện tại là Trợ lý Tổng giám đốc. 


Đáng nói, anh Huy cũng đang đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Marketing của thương hiệu cà phê Passio trong suốt 4 năm qua. Những tưởng từ ngành học Kỹ thuật phần mềm chuyển sang Marketing là một cú “cua gắt”, đối chọi nhưng theo anh Huy giải thích, chính ngành học đã bổ trợ và bồi đắp cho công việc hiện tại của mình. 



“Người làm Công nghệ thông tin có tính logic cao, người làm Marketing lại có tính kinh doanh và sáng tạo. Nếu kết hợp hai yếu tố này gần như mình dễ thành công trong mọi quyết định. Đặc biệt với thời điểm xã hội thay đổi liên tục một người biết nhiều lĩnh vực là rất cần thiết, nên đòi hỏi mỗi người phải liên tục tự học”. 

Với anh Huy, hành trang vào nghề của mỗi người chắc chắn là kiến thức chuyên môn, nhưng nếu chỉ dừng lại kiến thức ở trường học thôi sẽ chưa đủ mà còn phải học trong quá trình làm việc. Khả năng học và đôi khi phải phủ nhận những kiến thức đã học, không ngừng làm mới mình qua việc tiếp thu mỗi ngày. Tự học chính là thước đó chuẩn mực nhất về năng lực chuyên môn. 

Có thể thấy, con đường khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với bất kỳ ai. Tuy nhiên, anh Quốc Huy đã từng bước vượt qua khó khăn, điều chỉnh phương pháp và cải thiện bản thân trở thành phiên bản tốt hơn. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm, kiến thức và cả tinh thần tự học được thắp lên từ ngôi trường Đại học FPT là tiền đề quan trọng để anh hiện thực khao khát khởi nghiệp. 



Ái Nhi

Rate this post
Tin tức liên quan