Sáng ngày 27/ 12, tại hội trường B Đại học FPT TP.HCM đã diễn ra Tuần lễ Di sản văn hóa Lần 4 với sự tham gia của đông đảo sinh viên.
“Văn hóa là những gì còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả”(E.douard Herriot). Mỗi một dân tộc, một đất nước, một vùng đất trên thế giới đều có cho riêng mình những bản sắc văn hóa không thể pha lẫn. Di sản văn hóa cũng là một yếu tố làm nên bản sắc của dân tộc. Di sản văn hóa là sự biểu hiện lối sống của cộng đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Đây cũng những nền tảng kiến thức cho chúng ta có thể tiếp cận với nền văn hoá trên toàn thế giới mà không sợ bị mất đi bản sắc dân tộc, hoà nhập nhưng không hoà tan.
Đến với Tuần lễ Di sản văn hóa lần 4 lần này, người tham dự không chỉ được thưởng thức những tiết mục nhạc cụ dân tộc đầy chuyên nghiệp đến từ các giảng viên bộ môn Âm nhạc dân tộc trường Đại học FPT TP.HCM mà còn được nghe các chuyên gia là những bạn sinh viên nhà F kể về những giá trị văn hoá, những nghi lễ, phong tục, lối sống sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là các nhạc cụ truyền thống mang đậm đà bản sắc của con người Việt Nam.
Cô Khánh An – giảng viên bộ môn Sáo trúc – ban tổ chức chính của sự kiện lần này chia sẻ:” Ở Tuần lễ Di sản văn hóa lần thứ 4 này rất khác so với những lần trước, thay vì các bạn sinh viên được lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện từ các diễn giả về những chủ đề cố định thì ở lần này, chính các bạn là những khách mời của chương trình. Khi các bạn chính là những diễn giả thì các bạn cần tìm hiểu sâu sắc hơn một nội dung cụ thể, từ đó các bạn nắm rõ, hiểu sâu là lâu hơn các thể loại âm nhạc và nhạc cụ truyền thống nước nhà.
Tại tuần lễ Di sản văn hóa lần thứ 4, các bạn sinh viên nhà F đã cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ rất nhiều loại hình âm nhạc hoặc nhạc cụ của nước ta như hát Xoan, bài chồi,… Các bạn đều vô cùng hứng khởi giới thiệu đến mọi người về kiến thức của một loại hình âm nhạc hoặc nhạc cụ truyền thống mới cũng như các bạn khán giản cũng rất nhiệt tình đặt ra những câu hỏi giúp tất cả mọi người hiểu sâu hơn. Ngoài ra, tại chương trình cũng có sự góp mặt của tất cả các thầy cô là giảng viên bộ môn Âm nhạc dân tộc trường Đại học FPT TP.HCM nhằm giải đáp phần nào những vấn đề mà các bạn còn đang khuất tất hoặc hiểu chưa đúng.
“ Âm nhạc truyền thống là kho tàng kiến thức vô giá, rộng lớn mà chúng ta có thể sử dụng để ứng dụng vào thực tiễn và phát triển bản thân từng ngày. Qua việc khám phá âm nhạc truyền thống, chúng ta không chỉ học được về lịch sử và văn hóa mà còn nắm bắt được những giá trị tinh thần sâu sắc. Từ đó, chúng ta có thể tìm thấy cảm hứng và định hình bản thân theo hướng tinh thần và trí tuệ của dân tộc. Điều quan trọng hơn, việc áp dụng những kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày giúp chúng ta kết nối với quá khứ và cũng làm giàu thêm những trải nghiệm mới cho tương lai” cô Khánh An chia sẻ thêm.
Trường Đại học FPT là ngôi trường đại học lấy việc học nhạc cụ dân tộc như một môn học chính, mở ra cơ hội cho sinh viên khám phá và trải nghiệm sâu hơn về di sản văn hóa của dân tộc. Việc này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về âm nhạc mà còn tạo điều kiện để áp dụng những giá trị này vào sự phát triển cá nhân, góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tinh thần sáng tạo trong giáo dục.
Theo Ngọc Thoa/ Đại học FPT TP.HCM