F-Sounds: Thanh âm FPTU là cuộc thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc do bộ môn Âm nhạc dân tộc – Đại Học FPT TP.HCM tổ chức nhằm tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh cho các bạn sinh viên. Và các bạn sinh viên Đại Học FPT được học Nhạc cụ dân tộc như một môn học chính thức nhằm thấu hiểu và lan tỏa âm nhạc truyền thống.
Cuộc thi được tổ chức online hàng tháng bởi Bộ môn Âm nhạc dân tộc và được hỗ trợ bởi phòng Công tác sinh viên trường Đại học FPT TP.HCM. Qua đó chọn ra hai tiết mục đặc sắc nhất vào vòng bán kết. Các bạn sinh viên được chọn một loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn bầu, sáo trúc,… để tham dự. Đồng thời, các bạn cũng cần ứng dụng các kỹ thuật và cảm xúc để chơi đàn với hai bài dự thi dân ca và bài nhạc mới, có thể sử dụng thêm nhạc nền hoặc dàn nhạc đệm để hỗ trợ.
Sau vòng bán kết diễn ra gần một tháng trước, 10 tài năng đã được gọi tên để bước vào vòng chung kết. Mọi sự chuẩn bị từ các bạn thí sinh đến ban tổ chức đều ráo riết để cho ra những sản phẩm chất lượng nhất. Các thầy cô bộ môn cũng hỗ trợ tập luyện, góp ý chuyên môn cũng như hỗ trợ chạy chương trình để các bạn thí sinh tự tin biểu diễn tiết mục của mình nhất có thể mà không lo ngại các vấn đề về kỹ thuật hay hậu cần.
Và vòng chung kết đã diễn ra vô cùng bùng nổ tại hội trường B vào tối ngày 27/12, với sự có mặt của các vị khách quý: thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT; thầy Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Văn phòng trường Đại học FPT TP.HCM; chị Nguyễn Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Công tác sinh viên đại học FPT HCM; cô Kiều Thị Thu Chung – Chủ nhiệm bộ môn Kỹ năng mềm trường đại học FPT HCM; cô Phùng Thị Ngọc Thúy – Giám đốc Hiệu đàn Đức Ngân, là nhà tài trợ đặc biệt của chương trình.
Cùng sự góp mặt của dàn giám khảo quyền lực và vô cùng chất lượng: Tiến sĩ – NSUT Nguyễn Thị Hải Phượng – Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP.HCM; Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung; Tiến sĩ – NSUT Lê Hoài Phương – giảng viên Đàn Bầu – Gõ Dân Tộc tại Nhạc Viện TP.HCM; Cô Vũ Thị Kim Yến – Chủ nhiệm Bộ môn Âm nhạc truyền thống trường Đại học FPT TP.HCM; Thầy Nguyễn Văn Vui – giảng viên Bộ môn Âm nhạc truyền thống trường Đại học FPT TP.HCM.
Trải qua những giây phút căng thẳng, những tiết mục bùng cháy hay du dương, ngọt ngào và đầy cảm xúc, ba tiết mục xuất sắc nhất đã được gọi tên: Quán quân – bạn Nguyễn Vũ Linh với nhạc cụ sáo trúc; Á quân – bạn Nguyễn Gia Khôi với nhạc cụ đàn bầu; Qúy quân – bạn Trần Nguyễn Thiên Ân với nhạc cụ đàn tỳ bà. Ngoài ra các bạn còn lại cũng vô cùng xuất sắc với 7 giải khuyến khích, 1 giải bình chọn và 1 giải fandom. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 20 triệu đồng cùng giấy chứng nhận, kỷ niệm chương và một nhạc cụ dân tộc được tại trợ bởi Hiệu đàn Đức Ngân.
“Một dân tộc phát triển khi dân tộc đó biết trân trọng những giá trị tinh thần, tinh hoa của ông cha để lại. Nhất là trong thời kỳ hiện nay, khi trong quá trình hội nhập, nét văn hóa dân gian đang bị dần mai một do giới trẻ bị thu hút vào nền giải trí mới. Việc Đại học FPT có khoa nhạc cụ dân tộc và đưa vào chương trình giảng dạy, đó là bước tiến có tính đột phá trong việc giáo dục giới trẻ biết trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam”, thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ.
Phát biểu cảm nghĩ tại đêm chung kết, NSUT Hải Phượng cho biết: “Đến với chung kết F – Sound mùa 2, Phượng rất vui vì nhìn thấy được rất nhiều gương mặt trẻ, không học chuyên mà lại chơi nhạc cụ tốt đến thế, các bạn đã tiến bộ rất nhanh, từ những bước chập chững vỡ vài nốt đầu mà nay đã có thể tự tin đứng trước mặt đông đảo khán giả ở đây, biểu diễn trọn vẹn một tiết mục bùng cháy có, tình cảm có, hùng dũng có. Có thể nói đây là một sân chơi rất tuyệt vời để mài giũa ra những tài năng mới cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà.”
“Sau khi xem xong tiết mục thứ nhất thì Phương biết rằng mình có thể bỏ qua áp lực chấm và yên tâm ngồi nghe các bạn ấy đánh đàn với tâm thế thoải mái nhất rồi. Và quả thực không hề thất vọng, các bạn sinh viên đại học FPT ngoài giỏi công nghệ ra còn mang đến nhiều tiết mục hay, chơi đàn dân tộc ở một trình độ tròn trĩnh, sạch sẽ và không quá nếu nói rất cao so với những người chơi đàn không chuyên và nếu Phương không học nhạc thì có lẽ cũng không thể nào làm tốt được như các bạn ấy.” Tiến sĩ – NSUT Lê Hoài Phương cũng cho hay.
Bên cạnh đó, các tiết mục đầy sôi động đến từ hai khách mời đặc biệt là ca sĩ Duyên Quỳnh – Quán quân Người kể chuyện tình 2019 & Toả sáng sao đôi 2022 cũng như Nghệ sĩ Đàn Nhị Lê Đại Dương – là Giảng viên Đàn Nhị tại Nhạc viện TP.HCM.
Năm 2015, bộ môn âm nhạc truyền thống đã được chính thức đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học FPT, từ đó đến nay trên khắp các cơ sở của FPT từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và TP.HCM với hàng chục ngàn học viên, sinh viên đã được tìm hiểu và theo học các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Bên cạnh các trường đào tạo về âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam, Đại học FPT là một trong số trường đại học hiếm hoi tại Việt Nam đã đưa nhạc cụ truyền thống vào chương trình giảng dạy chính khóa cho sinh viên. Bởi, nhà trường thấu hiểu một điều: thế hệ trẻ luôn cần phải tôn trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, giai điệu của các loại nhạc cụ dân tộc chính là những nét đẹp cần phải được bảo tồn trong thời kỳ hiện đại ngày nay.
Theo Ngọc Thoa/ Đại học FPT TP.HCM