Sinh viên ngành Công nghệ truyền thông Trường ĐH FPT có nhiều hoạt động thực hành kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngay trên lớp. Việc được khuyến khích trải nghiệm tại các dự án, doanh nghiệp thực tế cũng giúp nhiều bạn có được cơ hội nghề nghiệp triển vọng ngay khi chưa tốt nghiệp.
Học kiến thức, thực hành ngay
Học các chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện hoặc Quan hệ công chúng thuộc ngành Công nghệ truyền thông, sinh viên được học kiến thức bài bản kết hợp thực hành trong các bài tập, dự án thực tế.
Nguyễn Tuấn Anh (sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH FPT Hà Nội) chia sẻ, từng “choáng ngợp” trước những môn học chuyên ngành: Truyền thông công nghệ mới, Tâm lý học truyền thông, Nhiếp ảnh, Sản xuất video… Mỗi môn học lại có những yêu cầu riêng về kiến thức và hoạt động thực hành.
Tuấn Anh được thực hành sản xuất các sản phẩm truyền thông theo các học phần tại Trường ĐH FPT
“Mình cùng nhóm từng tự lên kế hoạch, sản xuất các content, phân phối trên các kênh để truyền thông cho một thương hiệu ‘như thật’. Hay trong môn ‘Sản xuất video’, mình được remake một MV, trải nghiệm trọn vẹn quy trình sản xuất một video hoàn chỉnh”, Tuấn Anh kể.
Cũng theo đuổi chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Lê Văn Minh (sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ) kể:
“Trong học phần Photography for Designer, sau khi chia sẻ các kiến thức cơ bản với sinh viên trên lớp, thầy tổ chức cho cả lớp một buổi workshop về nhiếp ảnh. Chúng mình được giới thiệu thực tế về máy ảnh, các phong cách chụp ảnh và thực hành theo nhóm luôn sau workshop. Cuối kỳ, thầy và lớp cùng tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm”, Minh nói.
Những nhận xét, đánh giá sản phẩm thực hành từ thầy cô, bạn bè là căn cứ quan trọng để các bạn sinh viên ngành Công nghệ truyền thông hoàn thiện kiến thức, kỹ năng
Tại buổi triển lãm, Minh cảm thấy tự hào khi “lần đầu có tác phẩm được trưng bày” và cũng khá hồi hộp “nhận những nhận xét, đánh giá của bạn bè, thầy cô”. “Những chia sẻ thực tế đó giúp mình nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm, cần bổ sung kiến thức, kỹ năng nào để làm tốt hơn”, nam sinh này nói.
Trải nghiệm nghề nghiệp sớm
Môi trường giàu trải nghiệm, khuyến khích sinh viên sớm tiếp cận với môi trường làm việc thực tế của ngành nghề ở Trường ĐH FPT là “mảnh đất màu mỡ” cho các sinh viên ngành Công nghệ truyền thông thực hành. Văn Minh chia sẻ: “Chẳng cần đi đâu xa, ở Trường có rất nhiều sự kiện, hoạt động CLB cần truyền thông. Thực hành kỹ năng ở các hoạt động đó mình cũng thu hoạch được nhiều kinh nghiệm hay”.
Minh hiện từng tham gia truyền thông cho các sự kiện do CLB tổ chức. Nam sinh trải nghiệm vai trò làm nội dung, chụp ảnh, hậu kỳ video hoặc tổ chức sự kiện. Ở vai trò nào, Minh cũng cảm nhận được sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Những tình huống phát sinh cần xử lý trong quá trình làm việc cho Minh cơ hội soi chiếu lại kiến thức, củng cố kỹ năng nghề thực tế.
Còn với Tuấn Anh, kết hợp đam mê và kỹ năng học hỏi được, cậu cùng hai người bạn tại Trường ĐH FPT Hà Nội lập nhóm media, từng tham gia sản xuất hình ảnh, video cho nhiều sự kiện trong và ngoài trường. Bước vào học kỳ thứ 6, như 100% sinh viên Trường ĐH FPT các chuyên ngành khác, Tuấn Anh tham gia kỳ thực tập doanh nghiệp (On the job training).
Trải nghiệm thực tập, làm việc sớm giúp sinh viên Trường ĐH FPT tự tin đón nhận những cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông
“Mình thực tập tại bộ phận Branding, BEAT Network với nhiệm vụ phối hợp cùng nhóm, nghiên cứu thị trường và đưa ra các đề xuất cho các dự án truyền thông thương hiệu của công ty. Ngoài ra, mình còn sản xuất, hậu kỳ hình ảnh và video đăng tải trên các kênh thuộc hệ thống”, Tuấn Anh kể về công việc hiện tại.
Sau một tháng thực tập, Tuấn Anh trở thành cộng tác viên chính thức. Nam sinh này chia sẻ: “Kỳ thực tập giúp mình có cơ hội làm việc tại một trong những kênh truyền thông đa nền tảng, với nhịp độ công việc nhanh và yêu cầu kỹ năng đa dạng. Mình học hỏi được nhiều kiến thức mới, và luôn trong tinh thần nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc nhóm”.
Kết hợp học kiến thức bài bản với thực hành, thực tập doanh nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ truyền thông Trường ĐH FPT thuận lợi trong việc hoàn thiện kỹ năng, sẵn sàng cho cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Đầu quân vào ngành Công nghệ truyền thông tại Trường ĐH FPT, sinh viên có thể lựa chọn 1 trong 2 chuyên ngành là Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện. Đây đều là những ngành học có cơ hội việc làm rộng mở và cũng là thế mạnh đào tạo của ngôi trường công nghệ như Trường ĐH FPT./.
Theo Kênh14