Trang chủ
/Đội ngũ giảng viên/Hoạt động đào tạo/

Bài học vỡ lòng từ người thầy thuở ấu thơ

Bài học vỡ lòng từ người thầy thuở ấu thơ

Đội ngũ giảng viên

Lặng lẽ giữa sân trường, trong buổi sáng tinh mơ, cô Tô Phụng Ngọc – một người lao công đã ở tuổi 43, vẫn cần mẫn quét dọn từng góc nhỏ với đôi tay chai sạn và đôi mắt lấp lánh một vẻ đẹp trầm lắng. Mái tóc đã ngả màu theo năm tháng và dáng người nhỏ nhắn của cô dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc của ngôi trường. Với bao thế hệ học trò, cô Ngọc là một phần thân thương không thể thiếu, lặng lẽ chăm chút từng không gian để đón chào các bạn sinh viên. Nhưng ít ai biết rằng, bên trong vẻ ngoài chất phác và thầm lặng ấy là một câu chuyện xúc động về người thầy thuở bé đã thay đổi cuộc đời cô.

Sự ấm thầm và lặng lẽ cống hiến của cô tấm áo xanh Trường Đại học FPT

Ngày đầu tiên đến trường, cô như bước vào một thế giới lạ lẫm, đầy những ký tự nhỏ bé đang nhảy múa trên bảng đen. Trong đôi mắt của cô bé lớp 1 năm ấy, những con chữ là điều gì đó xa xỉ mà cả gia đình chẳng ai có thể chạm tới. Thầy giáo với dáng hình quen thuộc đứng bên cạnh, mỉm cười hiền hậu, cầm lấy bàn tay nhỏ bé của cô, chầm chậm viết từng nét, từng chữ cái đầu tiên của tên mình. Cảm giác  bàn tay thầy ấm áp, đôi mắt thầy dịu dàng vẫn còn in đậm trong ký ức của cô, dù đã trải qua biết bao mùa mưa nắng.

Thầy không chỉ dạy cô biết đọc, biết viết, thầy còn đến tận nhà, khuyên bảo bố mẹ cô cho cô tiếp tục học. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt đã khiến bố mẹ cô phải đưa ra một lựa chọn khác. Những ngày tháng ấy trôi qua, cùng những ước mơ dang dở, cô phải rời xa con chữ để lo cho miếng cơm manh áo.

Cô Ngọc lặng lẽ quét sân, gìn giữ từng khoảnh khắc bình yên của ngôi trường.

Trước khi chia tay, thầy tặng cô một cuốn sổ nhỏ cũ kỹ, trên trang đầu là dòng chữ “Hãy giữ lấy, để một ngày con có thể viết tiếp những giấc mơ của mình trong đây.” Thầy mỉm cười, nói với cô lời mà đến giờ cô vẫn nhớ mãi: “Dù cuộc đời có khổ cực đến đâu, con hãy nhớ những chữ này. Để một ngày mai, con có thể đọc được tên mình trên một tờ giấy.”

Những năm tháng sau đó, cuộc sống đưa đẩy cô đi xa khỏi cái tên viết vội của chính mình. Nhưng cuốn sổ ấy vẫn luôn ở đó, một mảnh ký ức của người thầy lớn nhất trong đời cô – người đã đặt vào tay cô một giấc mơ, và lặng lẽ tiễn bước cô trên con đường đầy gập ghềnh.

Giờ đây, khi quét dọn sân trường, trong cái se lạnh của mùa đông, cô lao công lại lặng lẽ mỉm cười. Nụ cười ấy như ánh lên một lời cảm ơn, dù cô biết rằng lời tri ân này sẽ mãi mãi nằm trong tim mình, chưa bao giờ được thầy nghe thấy.

Mỗi góc trường đều mang dấu ấn cần mẫn của cô Ngọc.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại về, lòng cô như trào dâng những xúc cảm ngày xưa. Đó là ngày để tri ân, để nhìn lại hành trình của những người thầy không cần hào quang, không cần lời tung hô, chỉ lặng lẽ vun đắp từng chút yêu thương, tri thức cho đời. Với cô Ngọc, mỗi lần nhớ về người thầy của mình là một lần nhớ đến giá trị thiêng liêng của nghề giáo, một nghề không chỉ dạy chữ mà còn gieo vào lòng người những hy vọng và ước mơ.

Hiền Hòa

Rate this post
Tin tức liên quan