Trong bối cảnh thế giới ngày càng đối mặt với các thách thức về môi trường do ngành công nghiệp thời trang gây ra, nhóm ba sinh viên trẻ đến từ Trường Đại học FPT HCM đã khởi xướng một chiến dịch truyền thông mang tên “Chiến dịch truyền thông về Thời trang tuần hoàn nhắm tới sinh viên thành phố Hồ Chí Minh”.
Chiến dịch này không chỉ là một phần của đồ án tốt nghiệp mà còn lan tỏa việc cải thiện nhận thức và hành động của người tiêu dùng trẻ về thời trang tuần hoàn.
Dự án do Phùng Thị Thùy Trang, Nguyễn Khánh Linh và Nguyễn Đoàn Kim Anh phát triển, đã tập trung vào việc giải quyết 2 vấn đề: giảm thiểu tối đa rác thải Thời trang ra môi trường và kéo dài tuổi thọ món đồ thời trang. Chiến dịch xoay quanh việc tăng nhận thức cho đối tượng sinh viên về việc hiểu đúng bức tranh toàn của thời trang tuần hoàn, bằng cách sử dụng các chiến thuật truyền thông đa dạng và sáng tạo trong suốt 2 tháng trên mạng xã hội, kết hợp với sự kiện “Yêu Chắc Mặc Bền” cùng workshop “Tái Sinh Vải Xinh và Se Chỉ Luồn Kim” để tăng tương tác, thúc đẩy một lối sống bền vững hơn trong tiêu dùng thời trang.
Với một loạt các workshop, triển lãm và chủ đề thảo luận nhằm tăng cường nhận thức và kỹ năng về thời trang tuần hoàn cho sinh viên. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên, trong đó 60% đến từ nhiều trường Đại học khác, không chỉ trong thành phố mà còn từ các vùng lân cận.
Màu sắc nhận diện của chiến dịch là màu cam, tượng trưng cho sự năng động, trẻ trung và đầy sức sống, phá vỡ lối mòn của những màu sắc truyền thống như xanh lá cây mà nhiều chiến dịch về môi trường khác thường sử dụng. Điều này không chỉ giúp chiến dịch nổi bật hơn trong mắt công chúng mà còn phản ánh sự đổi mới và tích cực mà nhóm mong muốn mang lại cho ngành thời trang.
Doanh nghiệp đánh giá cao năng lực của nhóm sinh viên Trường Đại học FPT
Chị Lê Thị Thuỳ Trang – Đại diện doanh nghiệp Purpose.Ant, nhận xét: “Nhóm sinh viên nhỏ nhưng làm được dự án lớn, nhiều đầu việc. Những dự án này ngoài thực tế đôi khi doanh nghiệp sẽ cần nhiều nguồn lực hơn để thực hiện. Đồ án với chủ đề rất hay và trendy, giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp. Tôi đặc biệt ấn tượng với đồ án về thời trang tái sinh. Không nghĩ các bạn trẻ có cái nhìn sâu sắc về việc bảo vệ môi trường . Các bạn đã kết nối được với nhiều người, nhiều tổ chức cùng chung tay. Hy vọng vượt ra ngoài phạm vi đồ án, các bạn sinh viên sẽ tiếp tục giữ và thực hiện dự án này trở thành 1 dự án tạo impact cho xã hội.”
Dự án đã được thành viên hội đồng (chị Lê Thị Thuỳ Trang – Giám đốc Đối ngoại Doanh nghiệp Purpose.Ant) đề xuất đầu tư ngay trong buổi bảo vệ. Ngoài ra, doanh nghiệp Semewash – Đơn vị sản xuất túi giặt magie bền vững đã gửi lời mời hợp tác ngay sau buổi bảo vệ. Trong suốt quá trình làm đồ án, đề tài còn được phía doanh nghiệp tài trợ bao gồm Semewash, Reshare, UCS, ecosoi, wellfabric,…. Đây là dấu ấn không chỉ khẳng định sự thành công của chiến dịch mà còn mở ra những cơ hội mới cho nhóm sinh viên trong tương lai.
Thách thức và triển vọng từ hành trình xây dựng chiến dịch thời trang tuần hoàn
Trong quá trình triển khai, dự án truyền thông về thời trang tuần hoàn không tránh khỏi những thử thách. Một trong những khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là việc truyền tải khái niệm thời trang tuần hoàn đến sinh viên một cách toàn diện và sâu sắc. Đối với nhiều bạn trẻ, thời trang tuần hoàn vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và phức tạp. Việc giải thích rằng đây không chỉ là thời trang tái chế mà còn bao gồm việc giảm thiểu nguyên liệu đầu vào, sử dụng các nguồn có thể tái tạo, và quản lý chất thải một cách bền vững, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong công tác truyền thông và giáo dục.
Một khó khăn khác là tổ chức các sự kiện quy mô lớn với nguồn lực hạn chế. Với chỉ ba thành viên trong nhóm và không có kinh nghiệm tổ chức sự kiện trước đó, việc lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện các hoạt động đã đòi hỏi sự tìm hiểu và sáng tạo không ngừng. Mặc dù vậy, những khó khăn này cũng mang lại cho nhóm kinh nghiệm quý giá và bài học thực tế về quản lý dự án.
Về phía tương lai, nhóm rất mong muốn mở rộng dự án. Họ có kế hoạch phát triển thêm nhiều chủ đề liên quan đến thời trang tuần hoàn, đặc biệt là đi sâu vào từng bước của quy trình sản xuất và tiêu dùng thời trang để tạo ra những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn. Đồng thời, nhóm cũng hy vọng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của dự án, tận dụng cơ hội lời mời hợp tác từ phía doanh nghiệp, không chỉ trong khu vực thành phố mà còn trên phạm vi toàn quốc, nhằm xây dựng một cộng đồng có ý thức về thời trang tuần hoàn rộng lớn hơn và bền vững hơn.
Những đề tài này không chỉ là những dự án học thuật mà còn là cầu nối giúp sinh viên tiếp cận và hiểu sâu về các ngành nghề tương lai của họ. Thông qua các đồ án, sinh viên Trường Đại học FPT không chỉ được học kiến thức mà còn được “học cách làm việc”, và quan trọng là “làm việc thật” với các đối tác, định hình và thử thách bản thân trong môi trường thực tế.
Hiền Hòa