Trong buổi giao lưu cùng sinh viên trường Đại học FPT, nữ “cá mập” Shark Thái Vân Linh đã bí kíp để thuyết phục các nhà đầu tư “xuống tiền” rót vốn cho doanh nghiệp, giúp sinh viên tự tin ươm mầm khởi nghiệp trong tương lai.
Gây ấn tượng từ chương trình “Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ” với vai trò giám khảo, doanh nhân Thái Vân Linh (Shark Linh) đã trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp. Bằng kinh nghiệm đúc kết trong quá trình khởi nghiệp cùng những chia sẻ sắc sảo, truyền cảm hứng buổi giao lưu với chủ đề “Fundraising & Venture investment” đã trở thành những bài học hữu ích, được sinh viên Đại học FPT đón nhận nhiệt tình.
Talkshow khởi nghiệp với chủ đề “Fundraising & Venture investment” được đông đảo sinh viên Đại học FPT tham gia
Trích dẫn câu nói “Mọi thứ trong cuộc sống có thể đàm phán”, Shark Linh nhấn mạnh kỹ năng đàm phán là yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân, doanh nghiệp chinh phục những đỉnh cao mới trong khát vọng kinh doanh của mình. Từ đây, diễn giả đã mang đến chương trình những bí kíp giúp sinh viên tự tin gọi vốn trong tương lai.
Lấy ví dụ thực tế từ những màn gọi vốn đình đám của các startup triệu đô nổi danh trên thế giới như Uber, Airbnb cho thấy việc gọi vốn thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo đó, cần từ 10-15 slide cho mỗi phần trình bày gọi vốn thuyết phục, tương đương với khoảng 1h đồng hồ. Nội dung của mỗi bài pitching đòi hỏi phải có các chủ đề: Vấn đề, sản phẩm, điểm khác biệt của sản phẩm (USP), đối thủ cạnh tranh, quy mô thị trường, giải pháp, đội ngũ, kế hoạch tiếp thị, mô hình kinh doanh và lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cần lưu ý hình thức trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và biết cách và nhấn mạnh sản phẩm thông qua những con số ấn tượng.
Theo Shark Linh, có 3 yếu tố quyết định một thương vụ gọi vốn thành công: Thị trường, Sản phẩm và Đội ngũ. Tuỳ theo đặc thù, thế mạnh mà doanh nghiệp tâm đắc, họ có thể bắt đầu với phần giới thiệu thu hút theo 3 yếu tố trên. Shark cũng nhấn mạnh, mỗi người cần chuẩn bị kịch bản, luyện tập thuyết trình ít nhất khoảng 10 lần và biết cách đào sâu các vấn đề để chiếm được lòng tin và thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng.
Phần chia sẻ của Shark Linh trở thành những bài học hữu ích, được sinh viên Đại học FPT đón nhận nhiệt tình.
Talkshow “Fundraising & Venture investment” nằm trong khuôn khổ chuỗi seminar khởi nghiệp do Bộ môn Phát triển khởi nghiệp – trường Đại học FPT tổ chức. Chương trình kéo dài trong 4 số tương đương chủ đề hot được cộng đồng khởi nghiệp trẻ quan tâm với sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia khởi nghiệp: Shark Thái Vân Linh, CEO Lê Yên Thanh, CEO Lê Anh Tiến… Tại đây, sinh viên cũng được lắng nghe câu chuyện, thảo luận hay đối thoại trực tiếp các CEO để liên hệ kiến thức với thực tế doanh nghiệp.
Tham gia chuỗi seminar này, sinh viên được làm quen với một quy trình khởi nghiệp hoàn chỉnh, từ bước lên ý tưởng, nghiên cứu thị trường, marketing… cho đến tài chính, gọi vốn. Đồng thời, chương trình cũng mở ra cơ hội cho các bạn trẻ được tiếp xúc và xây dựng quan hệ với những nhà tuyển dụng tương lai. Sau buổi giao lưu, một số sinh viên được nhận vào thực tập tại công ty của những diễn giả từng
Với format mới mẻ, chương trình đã đã thu hút sự quan tâm và hứng thú của đông đảo sinh viên trong mỗi số. Hoàng Nguyễn Trí Nhân (Sinh viên K15 – Ngành Ngôn ngữ Nhật), một trong những sinh viên tham gia chương trình chia sẻ bạn rất hào hứng và tâm đắc khi được gặp gỡ, học hỏi từ những bậc thầy khởi nghiệp. “Tham gia chương trình, bên cạnh việc bồi đắp kiến thức về khởi nghiệp điều mình tâm đắc nhất là có thể đặt câu hỏi cho các mentor, cơ hội xây dựng networking với các khách mời, chuyên gia và tìm kiếm việc làm sau khi seminar kết thúc”.
Chia sẻ sau buổi talkshow, Tiến sĩ Phan Gia Hoàng (CNBM Phát triển Khởi nghiệp) – Trưởng ban tổ chức – đánh giá cao sự tham gia tích cực của sinh viên, đặc biệt là trong phần thảo luận và trao đổi về các vấn đề liên quan đến startup. “Quan trọng nhất, buổi talkshow đã cung cấp cho sinh viên một cái nhìn tổng quan về quá trình khởi nghiệp và giúp họ có được những kiến thức, kinh nghiệm và lời khuyên quý giá trong việc gọi vốn cho doanh nghiệp của mình”, tiến sĩ Phan Gia Hoàng nói.
Từ năm 2022, môn Trải nghiệm Khởi nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo chính quy và bắt buộc cho tất cả sinh viên Đại học FPT. Nhà trường kỳ vọng, thông qua môn học này, sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức thực chiến về sáng tạo – khởi nghiệp, từ đó, sinh viên có tư duy nhạy bén để phát hiện và tận dụng cơ hội trong xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường.
Với định hướng: sinh viên Đại học FPT làm chủ doanh nghiệp sau ra trường, tạo ra đa dạng cơ hội việc làm cho người lao động, văn hoá khởi nghiệp được phát động mạnh mẽ tại Đại học FPT. Bên cạnh chương trình học chính khoá, sinh viên còn được trang bị kiến thức khởi nghiệp thực tế thông qua buổi gặp gỡ doanh nghiệp, các sự kiện, cuộc thi liên quan.
Đến nay, nhiều thế hệ sinh viên Đại học FPT đã khởi nghiệp thành công và tạo tiếng vang trong cộng đồng như: Nguyễn Thế Vinh – Co Founder – Coine 98 Finace, Nguyễn Thành Trung – Founder tựa game đình đám toàn cầu Axie infinity, Trần Trung Hiếu – Fouder, CEO Top CV…
Ái Nhi/ Đại học FPT TP.HCM