Ngày 12/06, Trường Đại học FPT ghi dấu ấn tại bảng xếp hạng đại học toàn cầu về phát triển bền vững THE Impact Rankings với ba mục tiêu đạt thứ hạng 101-200 gồm SDG 4, SDG 11, SDG 16.
3 mục tiêu phát triển bền vững của Trường Đại học FPT đạt thứ hạng 101-200 theo bảng xếp hạng Đại học trên toàn cầu THE Impact Rankings.
Thông tin thăng hạng chung, Trường Đại học FPT chính thức lên thứ hạng 401-600 trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu THE Impact Rankings. Điều này được công bố tại The Global Sustainable Development Congress – Hội nghị Phát triển Bền vững Toàn cầu diễn ra từ ngày 10 – 13/6/2024 tại Thái Lan với sự tham dự của 3000+ đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục,… Được biết, năm 2024 có 2152 trường tham gia xếp hạng THE Impact Rankings đến từ 125 quốc gia.
Đoàn Đại biểu trường Đại học FPT tham gia The Global Sustainable Development Congress – Hội nghị Phát triển Bền vững Toàn cầu.
THE Impact Rankings là một trong những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới đánh giá các trường đại học, được thực hiện bởi Times Higher Education (THE). Theo đó, THE Impact Rankings đánh giá các trường đại học dựa trên việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Năm 2024, các tiêu chí của Trường Đại học FPT tham gia bảng xếp hạng THE Impact Rankings được xếp thứ hạng cao là SDG 4 (chất lượng giáo dục), SDG 11 (đóng góp cho cộng đồng) và SDG 16 (tổ chức vững mạnh).
Đây là năm thứ 3 Trường Đại học FPT tham gia bảng xếp hạng, với thứ hạng các năm 2022, 2023 lần lượt là 801-1000, 601-800. Với thứ hạng 401-600 và các mục tiêu đạt thứ hạng 101-200 trong năm 2024, Trường Đại học FPT đã thăng hạng thành công, khẳng định chiến lược phát triển và triển khai hiệu quả các hoạt động đóng góp cho công cuộc kiến tạo môi trường giáo dục chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững toàn cầu.
Trường Đại học FPT là trường Đại học tiêu biểu tại Việt Nam có 5 campus đặt tại 5 thành phố lớn trên cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), TPHCM và Cần Thơ. Sứ mệnh của Trường Đại học FPT “Cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước” và định hướng chiến lược phát triển bền vững theo tiêu chí của UNESCO thuộc Liên Hợp quốc.