Trang chủ
/Vovinam/Hoạt động sinh viên/

Vovinam Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vovinam Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vovinam

Ngay trước ngày tổ chức Giải vô địch Vovinam thế giới lần 7-2023 tại TP.HCM, Vovinam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Vovinam – Việt Võ Đạo TP.HCM là nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian. Đây là tin vui với môn võ Việt đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đặc biệt là khi Vovinam sẽ tổ chức Giải vô địch Vovinam thế giới lần 7-2023, diễn ra từ ngày 24-11 đến 1-12 tại nhà thi đấu Phú Thọ.

Theo kế hoạch, dự kiến ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, sẽ phát biểu chào mừng lễ khai mạc Giải vô địch Vovinam thế giới 2023 và trao chứng nhận Vovinam là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Một tiết mục biểu diễn Vovinam nhân 85 năm hình thành và phát triển môn phái

Đến thời điểm này, đã có hơn 650 VĐV, HLV, lãnh đội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tranh tài. Đáng chú ý, các cường quốc có thế mạnh về thể thao và võ thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Pháp, Thái Lan,… cũng cử VĐV tranh tài.

Trở lại với việc quảng bá môn võ Việt, đến thời điểm này, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển.

Đòn chân bay kẹp cổ đặc trưng của Vovinam

Để hỗ trợ cho các học sinh THCS và THPT trên toàn quốc tiếp cận giải đấu, Trường Đại học FPT tổ chức chương trình Vietnam Open Robotics Challenge (VORC) với các điểm thi và khu vực hỗ trợ tại 5 cơ sở: Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và TP HCM.

Các giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á cũng được tổ chức thường niên trong thời gian qua. Mới nhất, Vovinam cũng trở lại tranh tài ở SEA Games 32 tại Campuchia.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín – chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới và đồng thời là chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam – chia sẻ: “Vovinam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái.

Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.

Một mục tiêu khác mà Vovinam quyết tâm thực hiện chính là xây Học viện Vovinam. Học viện dự kiến đặt ở TP.HCM, với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD, hứa hẹn là nơi đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.

Tại ĐH FPT, Vovinam là môn giáo dục thể chất mà 100% sinh viên cần hoàn thành. Vovinam được giảng dạy hàng năm cho từng lứa sinh viên với tinh thần nâng cao sức khỏe, đạo đức và tinh thần tự tôn dân tộc. Sinh viên Đại học FPT được khoác lên mình bộ võ phục xanh hoà bình truyền thống của bộ môn, làm lễ nhập môn Vovinam và bước vào luyện tập những đường quyền cơ bản nhất. Những sinh viên có tố chất được các thầy bộ môn và câu lạc bộ Vovinam bồi dưỡng, phát triển những kỹ thuật khó hơn như đối kháng, biểu diễn với đao hoặc côn.

Ngày 18/11/2018, 7.000 học sinh và sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT đã cùng đồng diễn Vovinam, xác lập kỷ lục “Màn đồng diễn võ thuật lớn nhất Việt Nam” tại đồng thời 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn FPT. Điều đặc biệt của màn đồng diễn chính là con số học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn lớn nhất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục Việt Nam hiện có về hạng mục này.

Việt Võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Sau này môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo).

Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức chưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt.

Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái Vovinam ra đời năm 2010 đánh dấu chặng đường mới của võ Việt. Cố võ sư chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Đại học FPT không chỉ giữ gìn và phát huy giá trị của Vovinam – Việt Võ Đạo thông qua các chương trình giảng dạy cho sinh viên, mà còn mở rộng hoạt động này đến với trẻ em bị di dời tại Trường Hope thành phố Đà nẵng – nơi nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi do tác động của đại dịch Covid-19 từ các địa phương trong toàn quốc chuyển đến sinh sống và học tập tại trường . Hoạt động mang Vovinam đến trường Hope giúp các em tiếp cận với di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Hoạt động này nằm trong những nỗ lực của nhà trường trong việc bảo tồn di sản văn hóa và hỗ trợ những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em bị di dời.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Rate this post
Tin tức liên quan