Bật mí bí kíp làm đồ án để được doanh nghiệp mời làm việc

03/06/2024

Mới đây, trong đợt Bảo vệ Đồ án ngành Truyền thông Đa phương tiện – Đại học FPT, có 2 đồ án được doanh nghiệp gửi lời mời làm việc ngay. 

 

Dù chưa nhận kết quả chính thức nhưng bằng khả năng nghiên cứu, sáng tạo, khả năng lập kế hoạch và quản trị dự án chuyên nghiệp, nhóm cũng nhận được những đánh giá tích cực từ Hội đồng. Cùng Đại học FPT bỏ túi những bí kíp để được doanh nghiệp săn đón ngay sau khi bảo vệ Đồ án tốt nghiệp nhé.

*Đồ án “𝐔𝐧𝐛𝐥𝐨𝐜𝐤𝐢𝐧𝐠 𝐜𝐫𝐞𝐚𝐭𝐢𝐯𝐢𝐭𝐲: 𝐈𝐧𝐬𝐩𝐢𝐫𝐢𝐧𝐠 𝐮𝐧𝐝𝐞𝐫𝐠𝐫𝐚𝐝𝐮𝐚𝐭𝐞 𝐬𝐭𝐮𝐝𝐞𝐧𝐭𝐬 𝐢𝐧 𝐇𝐨 𝐂𝐡𝐢 𝐌𝐢𝐧𝐡 𝐂𝐢𝐭𝐲 𝐭𝐨 𝐨𝐯𝐞𝐫𝐜𝐨𝐦𝐞 𝐂𝐫𝐞𝐚𝐭𝐢𝐯𝐞 𝐛𝐥𝐨𝐜𝐤 𝐢𝐧 𝐀𝐫𝐭-𝐫𝐞𝐥𝐚𝐭𝐞𝐝 𝐟𝐢𝐞𝐥𝐝𝐬” của nhóm sinh viên The Unblockable Team – Vương Ngọc Khánh, Vũ Minh Phương, Nguyễn Chấn Hưng – ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT. Đồ án được hướng dẫn bởi giảng viên Võ Hoàng Minh Vân.

 

“Đề tài đồ án của chúng em xoay quanh chủ đề creative block (hay còn gọi là bế tắc sáng tạo) trong cộng đồng sinh viên đã/đang/sẽ theo đuổi các ngành nghề liên quan đến sáng tạo nghệ thuật tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm mục đích truyền cảm hứng, giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bế tắc sáng tạo, từ đó bản lĩnh hơn để đương đầu với sự hiện diện của các “Khối Vô Vị” trên hành trình sáng tạo của chính mình.

Chiến dịch trải dài hơn 4 tháng, từ ngày 15 tháng 5 đến cuối tháng 8 với hai hoạt động chính là sản xuất Promotional clip và tổ chức sự kiện triển lãm mang tên “Sáng Tạo Của Bạn Có Vị Gì”.

 

 

Bản thân chúng em khi thực hiện đồ án tốt nghiệp cũng trở thành những người gặp phải cảm giác bí bách, nhạt nhẽo mang tên bế tắc sáng tạo. Nhưng hơn ai hết, chúng em tin rằng sẽ có nhiều hơn là một hoặc là một vài cách để chúng ta hoá giải hiện tượng này. Và sau quá trình tìm tòi, nhóm nhận ra rằng creative block là một nỗi đau chung đối với cộng đồng sinh viên ở các ngành nghề nói chung và các ngành liên quan đến sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Cũng vì vậy mà chúng em muốn nhân cơ hội này để truyền tải tinh thần Unblockable đến với các bạn trẻ – những người cũng như chúng em, đang chật vật trước khi bước vào môi trường làm việc với muôn vàn nỗi lo.

Trước tiên, chúng em cảm thấy rất cảm kích các bạn đang theo học các ngành Kiến trúc, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất. Sau, chúng em cũng cảm ơn các bạn đang theo học ngành Thiết kế đồ hoạ tại trường Đại Học FPT TP. Hồ Chí Minh. Không nhờ các bạn thì chúng em chưa thể kết nối được cộng đồng sáng tạo thông qua một chủ đề vô cùng quen thuộc mà xa lạ. Vì có cùng một nỗi đau chung nên họ rất dễ dàng đồng cảm để chia sẻ những góc nhìn cá nhân về chủ đề này. Chúng em cũng xin chân thành cảm ơn các bạn cộng tác viên đã hỗ trợ dự án cho nhóm”.

*Đồ án “𝐁𝐫𝐚𝐧𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐜𝐚𝐦𝐩𝐚𝐢𝐠𝐧 𝐟𝐨𝐫 𝐓𝐫𝐚 𝐒𝐮 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐭𝐡𝐚𝐭 𝐢𝐧𝐜𝐫𝐞𝐚𝐬𝐞 𝐛𝐫𝐚𝐧𝐝 𝐚𝐰𝐚𝐫𝐞𝐧𝐞𝐬𝐬 𝐚𝐧𝐝 𝐛𝐞𝐜𝐨𝐦𝐞 𝐚𝐧 𝐚𝐭𝐭𝐫𝐚𝐜𝐭𝐢𝐯𝐞 𝐩𝐥𝐚𝐜𝐞 𝐟𝐨𝐫 𝐲𝐨𝐮𝐧𝐠 𝐩𝐞𝐨𝐩𝐥𝐞 𝐭𝐨 𝐞𝐧𝐣𝐨𝐲 𝐕𝐢𝐞𝐭𝐧𝐚𝐦𝐞𝐬𝐞 𝐭𝐞𝐚 𝐜𝐮𝐥𝐭𝐮𝐫𝐞” của nhóm sinh viên Nguyễn Trần Vân Anh, Mai Thu Thuỷ, Tô Hoàng Liêm – ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT. Đồ án được hướng dẫn bởi giảng viên Nguyễn Trần Hương Thảo.

 

“Nhóm em là nhóm “sinh sau đẻ muộn”. Tuy nhiên may mắn là các thành viên nhóm em đều có chung một tư duy là mong muốn được thực hiện chiến dịch để giúp đem lại giá trị thực cho doanh nghiệp. Đối với tụi em đây là một thử thách lớn vì nó không chỉ đơn thuần là đề tài cá nhân như trước giờ được học ở trường nữa mà nó còn là trách nhiệm với một doanh nghiệp ứng với đạo đức làm nghề tụi em vẫn được thầy cô ngành truyền thông nhắc đến mỗi khi được học tại trường mình.

Ngoài ra ở thời điểm đó, tụi em có gửi proposal mời cộng tác với vài bên thì có một vài doanh nghiệp về hoa, thời trang và Trà Sử Quán có đồng ý hợp tác. Thực sự ở thời điểm đó, hoa và thời trang là 2 chủ đề phù hợp với cuộc sống thường ngày của tụi em hơn. Nhưng lúc đó, nhóm em lại mong muốn mình sẽ là một trong những sinh viên FPT góp phần lan toả giá trị văn hoá Việt Nam ta đến với nhiều bạn trẻ hơn.

Sau 10 tuần chạy chiến dịch, nhóm em tự tin nói rằng, chiến dịch đã phần nào giúp doanh nghiệp phát triển một hướng đi lâu dài cũng như giúp người trẻ tụi em thay đổi nhận thức về việc uống trà.

Nếu trước đây, khi nhắc đến uống trà, người trẻ tụi em dễ dàng nói ngay là không phù hợp, việc uống trà chỉ dành cho thế hệ đi trước. Tuy nhiên với việc xây dựng chiến dịch truyền thông để biến trải nghiệm uống trà Việt một cách gần gũi hơn thông qua việc kết hợp uống trà với các hoạt động văn hoá Việt Nam khác, nhóm em không chỉ xoá nhoà định kiến đó với các bạn trẻ, mà chiến dịch còn góp phần lan toả trà Việt và Văn hoá Việt Nam đến với bạn bè trong nước và Quốc tế.

Ngoài ra, chiến dịch lần này của nhóm em cũng góp phần giới thiệu những nghề truyền thống đang dần mai một như làm bánh in truyền thông, vẽ tranh sơn mài, tranh lụa,… đến với người trẻ hơn. Từ đó, cũng giúp phát triển văn hoá Việt, cũng như tạo cơ hội phát triển và duy trì việc làm cho các nghệ nhân, cô chú.

 

Trước khi vào kỳ đồ án, hầu như sinh viên tụi em đều sẽ được “cảnh báo” rằng làm cho doanh nghiệp luôn khó khăn hơn, mà ai ngờ khó thật ạ. Điều đặc biệt, khi xây dựng một chiến dịch truyền thông, mục tiêu truyền thông sẽ không cam kết KPI doanh thu vì tụi em là người làm truyền thông. Tuy nhiên doanh nghiệp đa phần họ sẽ quan tâm đến vấn đề con số. Hiểu được tâm lý đó, nhóm em đã vẽ ra một chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn có thể thu về gấp hơn 10 lần/tuần do với doanh thu trước đây.

Vì doanh nghiệp Trà Sử Quán thì cũng mới thành lập từ tháng 2/2023 thôi nên gần như mọi thứ đều mới hết. Nhóm em nhớ, ở giai đoạn 30% là khó khăn nhất, ở thời điểm đó, nhóm em cần làm việc với doanh nghiệp rất nhiều để lấy client brief hay còn gọi là yêu cầu của doanh nghiệp cho chiến dịch. Tuy nhiên, tụi em gần như phải có mặt ở Trà Sử Quán mỗi ngày như một nhân viên của quán để quan sát, học hỏi và hiểu doanh nghiệp. Vì không hiểu thì sao mà phát triển doanh nghiệp được. Tuy nhiên, sau 2 tuần nghiên cứu, nhóm em phải back lại doanh nghiệp một đề xuất hướng đi nhằm giúp doanh nghiệp phát triền xa hơn. Và ở thời điểm đó, nhóm em chỉ còn 1 tuần để hoàn thành bài nghiên cứu và những kế hoạch chi tiết cho chiến dịch. Bên cạnh đó, nhóm em cũng phải pitching để thuyết phục doanh nghiệp tin rằng chiến dịch này hiệu quả.

Và rồi để thuyết phục doanh nghiệp thì khá khó, vì vậy nhóm em luôn chuẩn bị nhiều plan để nếu sau từng giai đoạn nhỏ không đạt KPI đề ra, doanh nghiệp có yêu cầu dừng hoạt động đó thì nhóm em vẫn sẽ có một hoạt động khác liên quan thay thế vào. Từng bước từng bước, nhóm em chứng minh cho doanh nghiệp thấy chiến dịch hiệu quả thông qua lượt tăng các chỉ số trên kênh social, cho tới doanh thu và cuối cùng là những lượt chủ động inbox fanpage để hỏi về trà và các trải nghiệm văn hoá bên cạnh chén trà của doanh nghiệp mà không phải đổi plan ở giai đoạn nào.

Trộm vía, nhóm em cũng có một mentor “xịn”, vừa có tâm vừa có tầm và có những thầy cô luôn sẵn sàng góp ý từ những buổi 30% – 70% – 90% nên khi đến với buổi 100%, đồ án tụi em cũng khá tròn trịa.

Trong chiến dịch lần này, nhóm em có tổ chức một offline event mang tên “Mỗi chén trà – Một trải nghiệm” thì ở đây, hội đồng có góp ý rằng nếu nhóm em có thể làm rõ hơn cho khán giả biết đây sẽ là “trải nghiệm Văn hoá Việt” thì sẽ trọn vẹn hơn ạ”.

Cảm ơn hai nhóm đã có những chia sẻ chân thành. Chúc mừng hai nhóm và chúc các bạn có những thành công nhiều hơn trong tương lai.

Đợt này, hơn 1200 sinh viên Trường Đại học FPT tại các campus Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh cũng  bắt đầu bước vào đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Summer 2023 với nhiều đề tài có tính mới và khả năng áp dụng thực tế. Bảo vệ đồ án tốt nghiệp là Học kỳ 9 tại Đại học FPT. Sinh viên tổng hợp các kiến thức được tích lũy trong quá trình học vào thực tiễn để tiến hành và hoàn thành một đề tài nghiên cứu hoặc một dự án tốt nghiệp thuộc nhóm ngành đào tạo dưới sự định hướng của giảng viên hướng dẫn. Hội đồng chấm Đồ án tốt nghiệp là những giảng viên và những đại diện doanh nghiệp uy tín, gạo cội trong lĩnh vực.

Chia sẻ qua:

MENU