Trang chủ
/Hoạt động vì môi trường/

ReGreen – dự án xanh của sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ

ReGreen – dự án xanh của sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ

Hoạt động vì môi trường

Dự án ReGreen – Túi thơm tái sinh của nhóm sinh viên Đại học FPT Cần Thơ đã nhận được mức hỗ trợ kinh phí 50,000,000 đồng để hiện thực và thương mại hoá trong buổi báo cáo môn học EXE101 của Chương trình Trải nghiệm Khởi nghiệp.

Nhóm sinh viên thực hiện dự án ReGreen – Túi thơm tái sinh gồm các thành viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau: Trần Hoàng Khánh Ly (Truyền thông đa phương tiện), Nguyễn Ngọc Trân (Truyền thông đa phương tiện), Lê Thúy Quỳnh (Thiết kế đồ hoạ), Phạm Ngọc Ái Vy (Thiết kế đồ hoạ), Nguyễn Gia Hân (Thiết kế đồ hoạ) với sự hướng dẫn của cô Huỳnh Ngọc Đông Giao và thầy Nguyễn Trọng Luân.

Nhóm thực hiện dự án “Túi thơm tái sinh” với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới lạ mang lại những trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng cũng như khơi dậy ý thức tiêu dùng xanh trong mỗi cá nhân, khuyến khích lối sống bền vững. Dự án Túi Thơm Tái Sinh – ReGreen hướng đến việc thúc đẩy lối sống xanh và bền vững thông qua sản phẩm thân thiện với môi trường. Điểm đặc biệt của ReGreen là tái sinh – trồng cây mang đến trải nghiệm giúp giảm stress và nâng cao sức khỏe tinh thần. Sản phẩm khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, xây dựng phong trào tiêu dùng có trách nhiệm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vòng đời sản phẩm và tầm quan trọng của việc chăm sóc môi trường thông qua trải nghiệm thực tế với việc trồng cây từ hạt giống tích hợp.

Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, Trần Hoàng Khánh Ly – đại diện nhóm cho biết: “Quá trình làm dự án khá suôn sẻ, nhóm rất may mắn khi gặp được các đồng đội rất hiểu ý nhau và có 2 Mentor là cô Đông Giao và thầy Trọng Luân luôn đứng phía sau hỗ trợ nhóm chúng em hoàn thành dự án một cách chỉn chu nhất. Dù nhóm có rất ít thời gian làm việc trực tiếp với nhau nhưng tất cả thành viên đều nỗ lực sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được giao. Tuy có khá nhiều khó khăn trong việc tạo ra sản phẩm do thiếu hụt kinh phí và thiết bị sản xuất còn thô sơ cũng như nguồn nguyên liệu chưa được phong phú nhưng nhóm vẫn cố gắng tìm tòi và nghiên cứu những phương thức sản xuất phù hợp để tạo ra sản phẩm hoàn thiện nhất.”

“Sản phẩm nhận được những đánh giá tích cực từ hội đồng. Tuy nhiên vẫn có 1 vài góp ý nhỏ và nhóm cũng đã và đang cải thiện sản phẩm theo góp ý của hội đồng để mang đến sản phẩm hoàn thiện và đạt chất lượng tối ưu.” – Khánh Ly chia sẻ.

Trong tương lai, nhóm dự định phát triển sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng thường xuyên hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, có nhu cầu thể hiện cá tính, quan tâm đến sức khỏe tinh thần, chuyển hóa năng lượng, và ưa chuộng các sản phẩm trendy, có trách nhiệm xã hội. Ban đầu, nhóm sẽ thực hiện bán hàng theo hình thức pre-order trên các nền tảng như Facebook, TikTok,… Sau khi thu thập phản hồi và xây dựng lượng khách hàng ổn định, nhóm sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt và mở bán chính thức.

Tại Trường Đại học FPT Cần Thơ, sinh viên được trải nghiệm khởi sự kinh doanh với môn học Trải nghiệm khởi nghiệp, gồm 3 học phần với các nội dung như: phát triển kỹ năng và tư duy kinh doanh, sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, hiểu biết thực tiễn về quy trình khởi nghiệp, coaching/mentoring khảo sát thị trường, xây dựng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, tạo dựng cơ sở khách hàng, cách thức vận hành một start-up…Thông qua việc hợp tác và phát triển dự án theo nhóm (từ 4-6 sinh viên liên ngành), sinh viên có cơ hội nhận được hỗ trợ kinh phí lên đến 50,000,000 đồng khi có dự án đáp ứng tốt các tiêu chí của Nhà trường để hiện thực hoá ý tưởng vào thực tế.

Nguồn: Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ

Rate this post
Tin tức liên quan