Trang chủ
/Hoạt động vì cộng đồng/

Sinh viên Đại học FPT Hà Nội tham gia phòng, chống bạo lực giới trên không gian mạng

Sinh viên Đại học FPT Hà Nội tham gia phòng, chống bạo lực giới trên không gian mạng

Hoạt động vì cộng đồng

Chiều ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm cùng sinh viên nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh công nghệ số hóa ngày càng phát triển.

Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban vì sự tiến bộ của phủ nữ Việt Nam, ông Matt Jackson – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Về phía Đại học FPT Hà Nội có thầy Tạ Ngọc Cầu – Phó GĐ Đại học FPT cơ sở Hà Nội, chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng Ban Công tác học đường FPT Edu, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Đại học FPT Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số đã đem lại nhiều cơ hội, thành quả to lớn cho sự phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nguy cơ mới cho hầu hết các lĩnh vực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định: Tọa đàm này vừa nhằm mục tiêu cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên của Trường có một cái nhìn toàn diện, đa chiều về các hình thức bạo lực trên không gian mạng để các bạn có kỹ năng bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn khi sử dụng mạng; đồng thời cũng khuyến khích cơ sở đào tạo lồng ghép, đưa các nội dung về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và các thực hành có hại trên môi trường mạng vào chương trình giảng dạy.

Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên Đại học FPT Hà Nội và học sinh trường THPT FPT Hoà Lạc tham dự


Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết: “Hiện nay, công nghệ đang dần phát triển nên cuộc sống của mọi người hầu hết dành cho công nghệ. Vì vậy, công nghệ ngày càng bị lạm dụng để nhiều người dùng với mục đích xấu. Ngôn ngữ bạo lực dành cho phụ nữ ngày càng gia tăng trên mạng xã hội. Bạo lực nhắm đến phụ nữ có thể từ rất nhiều mối quan hệ như bạn tình, bạn bè,… Họ thực hiện hành vi bạo lực này nhằm hạ thấp nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, đồng thời đe dọa, ngăn cản họ lên tiếng. Hầu hết các nạn nhân đều im lặng và không lên tiếng để kẻ xấu tiếp tục lợi dụng. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người đều có thể lên tiếng trên không gian mạng, cùng nhau chúng ta sẽ chống lại hành vi bạo lực trên mạng xã hội”.

Thầy Tạ Ngọc Cầu – Phó GĐ Đại học FPT cơ sở Hà Nội chia sẻ: “Bạo lực mạng không chỉ xảy ra ở phái nữ, có rất nhiều nhóm người xấu lợi dụng để tấn công mọi người về tâm lý, tinh thần, thể xác. Chúng ta cần phải ngăn chặn bạo lực trên không gian mạng liên quan đến giới. Trường Đại học FPT luôn tuyên truyền và hỗ trợ thông tin để giúp các bạn sinh viên biết tự bảo vệ mình, và đặc biệt là các sinh viên nữ tại trường.”
Với kinh nghiệm làm KOL tiếp xúc với rất nhiều các ý kiến trái chiều và những bình luận tiêu cực nhắm đến bản thân mình, Khánh Vy đã mang đến những chia sẻ thú vị và nhiều bài học bổ ích đến cho các bạn sinh viên. Khánh Vy cho biết: “Các bạn cần có một mục tiêu để hoàn thành bởi vì khi chúng ta nhàn rỗi, không có việc gì để làm thì bản thân sẽ vô tình trở thành nạn nhân của bạo lực mạng xã hội. Vì vậy, tôi mong rằng tất cả chúng ta ở đây, mỗi người đều có một mục tiêu định hướng cuộc sống, học tập để theo đuổi và phát triển nó. Tập trung vào bản thân mình sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì luôn tập trung vào mạng xã hội. Giá trị của bản thân mình không chỉ nằm ở những lời nói của người khác, mình chỉ có thể thay đổi góc nhìn của bản thân mình mà thôi. Vì vậy, hãy luôn tự tin và tin tưởng vào bản thân mình và cố gắng phát triển bản thân mỗi ngày.”

Khánh Vy chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế cùng sinh viên Đại học FPT Hà Nội


Cuối chương trình là phần Q&A của các diễn giả với các bạn sinh viên. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các diễn giả về mạng xã hội và các biện pháp phòng tránh bạo lực mạng. Các bạn sinh viên đều rất hào hứng, đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả, tạo nên một không khí sôi nổi trong khán phòng với rất nhiều những kiến thức bổ ích được các diễn giả giải đáp cho các bạn sinh viên về chủ đề thú vị này.

Lê Gia Hiển – học sinh lớp 10A6, trường THPT FPT Hà Nội – hào hứng: “Sau buổi tọa đàm hôm nay, em cảm thấy rất vui, thú vị và biết thêm nhiều kiến thức bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Chương trình hôm nay giúp em biết rằng bản thân mình không hề nhỏ bé, mỗi người đều có những giá trị riêng của mình, không như các bình luận người khác nói về mình trên mạng. Nếu mọi người bạo lực với em trên không gian mạng, em sẽ phản kháng lại và gọi điện cho những trung tâm hỗ trợ để bản thân em không gặp nguy hiểm khi bị đe dọa trên không gian mạng.”

Mạnh Khải

Rate this post
Tin tức liên quan