Trang chủ
/Tin tức & Sự kiện/Hoạt động vì cộng đồng/

Tọa đàm về tuyển sinh ĐH-CĐ 2025 theo chương trình phổ thông mới 

Tọa đàm về tuyển sinh ĐH-CĐ 2025 theo chương trình phổ thông mới 

Hoạt động vì cộng đồng

Ngày 21/12/2023, Tọa đàm về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2025 theo chương trình phổ thông mới do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công tại Trường ĐH FPT campus TP. HCM

Kết nạp hội viên mới và kiện toàn ban chủ nhiệm 

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Lê Trường Tùng, với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các Trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT chia sẻ vinh dự tiếp đón các đại biểu trong Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong chương trình Tọa đàm về tuyển sinh ĐH-CĐ 2025 theo chương trình phổ thông mới đăng cai tổ chức cuối năm 2023 đầu năm 2024 tại Trường ĐH FPT campus TP. HCM. 

Chủ đề Tọa đàm hội bàn về vấn đề tuyển sinh năm 2025 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đồng thời, giới thiệu hội viên mới và kiện toàn ban chủ nhiệm chấp hành Câu lạc bộ Các Trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập.

TS. Lê Trường Tùng chia sẻ tại Tọa đàm về tuyển sinh ĐH-CĐ 2025 theo chương trình phổ thông mới

TS. Lê Trường Tùng chia sẻ, giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, mỗi trường ĐH-CĐ đều có thị phần của riêng mình. Tại Câu lạc bộ, các trường Đại học, Cao đẳng cần học hỏi cái cần học, phát huy cái hay của mình và của nhau. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự hỗ trợ lẫn nhau, nhất là hỗ trợ đối với các trường yếu hơn, cả trong các hoạt động học thuật và tuyển sinh, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. CLB sẽ cùng thành viên tổ chức các hoạt động tăng cường liên kết giữa các trường. Từ đó, góp phần phát huy lợi thế của từng trường, nâng cao năng lực của các trường đại học, cao đẳng nước ta hiện nay.

Câu lạc bộ Các Trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam là tiền thân của Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam ngày nay. 

Câu lạc bộ được kỳ vọng là nơi tập hợp sức mạnh trí tuệ; nơi tổng hợp các nhu cầu, đề xuất của các trường đại học, cao đẳng trong khối đến các cấp quản lý. Việc kiện toàn bộ máy Câu lạc bộ thể hiện mong muốn đi vào hoạt động hiệu quả và đóng góp tốt hơn vào công tác giáo dục đào tạo bậc Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam. 

Nhân buổi Tọa đàm, CLB công bố quyết định kết nạp hội viên mới – Trường CĐ Lý Thái Tổ.

Sự kiện tổ chức kết nạp hội viên mới – công bố, trao quyết định cho hội viên mới – Trường CĐ Lý Thái Tổ. Đại diện Trường CĐ Lý Thái Tổ chia sẻ mong muốn giao lưu học hỏi, phát triển, đóng góp vào sự phát triển nước nhà khi gia nhập CLB các trường ĐH-CĐ ngoài công lập.

Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình, sự kiện Kiện toàn ban chủ nhiệm CLB – CLB các trường ĐH-CĐ ngoài công lập thuộc Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng diễn ra thành công, là cột mốc hứa hẹn cho mùa hoạt động hiệu quả tiếp theo của CLB.

Theo đó, đề cử từ Ban chủ nhiệm, CLB bổ sung nhân sự mới vào Ban chấp hành gồm TS Nguyễn Tiến Thanh và TS Trần Ái Cầm.

TS Nguyễn Tiến Thanh cho biết sẽ cố gắng hỗ trợ đến cùng và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ Ban chấp hành. Cùng với đó, TS Trần Ái Cầm hy vọng có những đóng góp cho CLB và lĩnh vực giáo dục nói chung.

Kiện toàn Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập đã đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động của Hiệp hội, là tiền đề vững chắc cho việc tăng hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập nói riêng và của Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nói chung. 

Báo cáo tham luận và ý kiến đề xuất

Với vai trò đại diện trường đại học đăng cai tổ chức chương trình và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các Trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập, TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên có lứa học sinh THPT tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, đồng thời, các em học sinh có các thay đổi về các môn học và môn thi tốt nghiệp (tự chọn). Khác biệt quan trọng là việc thí sinh sẽ có môn học (chọn từ lớp 10) và môn thi (đăng ký lớp 12) không giống nhau và không còn khái niệm tổ hợp các khối môn như trước đây.

Đồng hành cùng định hướng của Bộ GD-ĐT với các tiêu chí về Quy chế tuyển sinh: Tự chủ tuyển sinh, Công bằng với thí sinh, Bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, Minh bạch với xã hội là trách nhiệm của Câu lạc bộ nói chung và Trường Đại học FPT nói riêng. 

Theo đó, Trường Đại học FPT triển khai phương thức tuyển sinh ngưỡng chất lượng đầu vào bằng công cụ xếp hạng SchoolRANK.  

SchoolRANK được xây dựng dựa vào phương pháp ATAR (Australian Tertiary Admission Rank) của Úc nhằm xếp loại học sinh, đồng thời, điều chỉnh môn học cho phù hợp với Việt Nam và dựa vào thống kê điểm học bạ, có tính đến hệ số địa phương. 

  • FPT SchoolRANK
  • Dựa vào điểm lớp 11,12
  • • Công thức 2020-2023: ATAR = K*[Toán + Next Top(1,2,3) + 10% (Top4+Top5) ]/4.2
  • • Công thức 2024-2025: ATAR = K*[Toán + Văn + NextTop(1,2) + 10% (Top3+Top4) ]/4.2

Tham luận do TS. Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT trình bày thu hút nhiều đóng góp của đại biểu tham dự đến từ các trường ĐH-CĐ. 

Đại diện Trường CĐ Công nghệ Thông tin cũng trình bày một số mong muốn kiến nghị về phương thức tuyển sinh giúp các trường cao đẳng dễ tuyển sinh hơn so với phương thức hiện hành, đồng thời mong muốn học hỏi mô hình tuyển sinh của Tổ chức FPT nói chung và trường ĐH FPT nói riêng. Trong khuôn khổ chương trình, đại diện của các trường cũng tích cực đưa ra những ý kiến đóng góp để xây dựng phương hướng phát triển của Câu lạc bộ trong xu thế hội nhập hiện nay.

Phát biểu trong bế mạc Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – Tổng Biên Tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết vinh dự được tham gia và mong muốn những tọa đàm tương tự sẽ được tổ chức nhiều hơn, cũng như sự ký thác của chính phủ dành cho Hiệp hội về chức năng, hiệu quả đối với hoạt động của các trường ĐH-CĐ. Nhà báo cũng đặc biệt đánh giá cao tinh thần tương hỗ của CLB, trường mạnh hỗ trợ trường yếu. Đồng thời, Tổng Biên Tập chia sẻ rất trân trọng và mong muốn đăng tải những đóng góp và ý kiến kiến nghị của đại diện các trường ĐH-CĐ ở Tạp chí Giáo dục.

Kết thúc chương trình, đại diện các trường ĐH-CĐ – thành viên Hiệp hội, Câu lạc bộ đã có dịp tham quan Đại học FPT ở một số không gian: Thư viện, Anh Quốc thu nhỏ Little UK, Bảo tàng, Sảnh Trống đồng, Sân tượng Self-made-man… tại campus TP. HCM.

Rate this post
Tin tức liên quan