Từ sự xuất hiện của những trường đại học tư thục, sinh ra trong lòng doanh nghiệp đến sự tự chủ tài chính của nhiều trường đại học công lập, cùng với đó là sự gia nhập WTO mở cửa hội nhập, những chính sách của Chính phủ như Nghị định 81/2021/NĐ-CP… đã định hình lại sự phát triển của giáo dục. Nhiều người xem giáo dục như một dịch vụ, khoản học phí được xem là khoản đầu tư tương lai.
Nhiều trường đại học (ĐH) đã tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nước, đầu tư chú trọng phát triển công nghệ, tung hàng loạt suất học bổng thu hút tài năng… nhằm đáp ứng nhu cầu và tương xứng mức học phí chi trả của người học.
Học phí ĐH được phân chia theo các nhóm khác nhau
Hiện nay, cả nước có hơn 200 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó khoảng 2/3 cơ sở giáo dục ĐH công lập, 1/3 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập. Trong bối cảnh, người học có quá nhiều sự lựa chọn. Trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo ngành nghề mà nhiều người xem đó là một loại hình dịch vụ, khách hàng – người học đóng học phí, nhà trường cung cấp chất lượng dịch vụ đào tạo tương xứng với số tiền đầu tư.
Khi khoản học phí được xem là khoản đầu tư tương lai, khách hàng – người học lựa chọn trường ĐH, mức giá học phí tùy thuộc vào nhu cầu. Học phí trường ĐH phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chương trình đào tạo, quy mô trường học, lộ trình học tập, ngôn ngữ dạy học, ngành học, chính sách hỗ trợ…
Trong 2 thập niên qua, một số trường ĐH có tốc độ tăng học phí cao. Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Cắt giảm ngân sách từ Chính phủ, Lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Mức trần học phí tăng đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ hoàn toàn cho năm học 2023-2024 dao động từ 1,2 triệu đến 2,45 triệu đồng/tháng, tùy theo khối ngành. Đối với các trường đã tự chủ tài chính, mức học phí có thể cao gấp 2-2,5 lần. Việc tăng học phí cũng theo thời giá, nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện cơ sở vật chất và bù đắp chi phí đào tạo.
Theo Báo Thanh Niên từng đăng tải, lộ trình tăng học phí 10% mỗi năm, dự kiến nhiều trường ĐH sau 4 năm sẽ có mức học phí từ 30 – 200 triệu đồng/ năm tùy vào ngành học và hệ đào tạo. Khi tự chủ tài chính, mức học phí của một số trường công lập tương đương với trường tư thục.
Theo thống kê, Học phí trường ĐH FPT từ khi thành lập (năm 2006) là 1.200 USD/kỳ, và từ đó tới nay học phí chỉ thay đổi con số rất nhỏ. Tuy nhiên, tính theo Việt Nam Đồng, thì học phí thay đổi một phần do tác động của tỷ giá USD. Học phí không còn nằm trong nhóm top các trường ĐH có học phí cao nhất. Học phí Trường ĐH FPT năm 2006 là Top 3 trường có học phí cao nhất tại Việt Nam, đến nay, học phí Trường ĐH FPT nằm ngoài Top 15 trên thị trường. Học phí Trường ĐH FPT được tính theo từng học kỳ. Một năm học sẽ có 3 học kỳ, học phí chuyên ngành dao động từ 20.090.000 VNĐ/ kỳ đến 32.500.000 VNĐ/ kỳ.
Giáo dục ĐH ngày càng đi vào hiệu quả thực tế
Theo quan điểm của UNESCO từ góc độ xã hội, giáo dục ĐH là một loại hàng hóa công, bởi nó có “tác động ngoại biên” lớn. Nghĩa là người được đào tạo không chỉ thu được lợi ích cho bản thân, như thu nhập cao hơn, am hiểu, giàu kinh nghiệm hơn, mà còn đem lại tác động tốt cho cả xã hội… họ có thể chín chắn, hành động có trách nhiệm hơn, có năng suất lao động tốt hơn, không trở thành gánh nặng của xã hội bởi ít phụ thuộc vào trợ cấp xã hội hơn…
“Giáo dục có phải hoạt động dịch vụ hay không? ĐH có phải là tổ chức dịch vụ hay không?” là câu hỏi mà TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT đưa ra ngay trong phần mở đầu tham luận “Quản trị ĐH như Tổ chức dịch vụ” tại EduCamp từ năm 2015.
Tại Trường ĐH FPT, giáo dục được coi như một dịch vụ và trong đó ” đào tạo là quá trình tổ chức và quản lý việc tự học của người học” – TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm. Với phương pháp đào tạo chú trọng trải nghiệm nhằm “nâng cao năng lực cạnh tranh cho đông đảo người học”.
Điều cốt lõi của Trường ĐH FPT không phải chỉ là cung cấp kiến thức, mà phải dạy được cho sinh viên ý thức tự học, tự trau dồi và phát triển bản thân. Từ đó, nhà trường giúp tạo được cho người học một môi trường cởi mở để theo đuổi đam mê, tri thức… chính là giúp họ tìm được hướng đi, làm chủ cuộc đời mình.
Số liệu nghiên cứu từ Trường ĐH Oxford cho biết, khoảng 50% công việc làm trên thế giới sẽ biến mất và bị thay thế bởi máy móc, trong khi 56% công việc ở ASEAN sẽ bị thay thế. Tuy nhiên, “Công nghệ và robot cho dù có được cải tiến như thế nào cũng không thể thay thế được con người. Vì thế, câu hỏi chúng ta nên giải đáp là làm sao đào tạo được những lao động mới để làm việc với robot và công nghệ”, ông Stephen Ulrich – Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phát biểu trên báo chí.
Khi giáo dục được xem là một loại hình dịch vụ thì vấn đề học phí chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để chọn lựa trường ĐH. Theo đó, phụ huynh – học sinh chọn trường dựa trên các tiêu chí: cơ hội việc làm sau khi ra trường, hoạt động ngoại khóa trong quá trình học, chương trình học tập tại doanh nghiệp, trải nghiệm công nghệ, chương trình học bằng tiếng Anh, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, học bổng phát triển tài năng, dịch vụ hỗ trợ người học…
Theo báo Thanh Niên